Những “điểm tựa” của buôn làng ở vùng biên Đắk Lắk góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, tươi sáng hơn.
Tỉnh Đắk Lắk có 4 xã biên giới thuộc huyện Ea Súp và Buôn Đôn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo khu vực biên giới có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao. Trên “con đường” xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp in đậm “dấu chân” của những già làng, trưởng buôn, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những cá nhân tiêu biểu đã trở thành “điểm tựa” của buôn làng.
Có mặt trên mọi “mặt trận”
Xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp chỉ có hai mùa là nắng “đổ lửa” và mưa “thối đất”. Dù nắng hay mưa, hơn 14 năm qua, mỗi khi có công việc của cộng đồng là ông Hà Văn Vượng (sinh năm 1961, dân tộc Thái), Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 12 lại “lọc cọc” trên chiếc xe đạp, đi từng ngõ, gõ từng nhà để giải quyết việc của làng trên, xóm dưới.
Cũng chính vì sự tích cực của mình mà ông Hà Văn Vượng dần chiếm trọn niềm tin của các dân tộc anh em, trở thành người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, được vinh danh trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” năm 2024, do Tạp chí Cộng sản, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức tháng 6 vừa qua.
Ông Hà Văn Vượng chia sẻ, thôn 12 có đặc thù riêng biệt với 7 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Mường, Dao, Tày, Nùng, Sán chay... di cư từ nhiều vùng, miền về sinh sống; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên đời sống còn khó khăn. Sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán... cũng là trở ngại đối với người làm công tác mặt trận nơi đây. Tuy nhiên, với tinh thần của một đảng viên, được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, ông Vượng luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách được giao.
Theo ông Hà Văn Vượng, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ là “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, ông luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người, nhất là những hoàn cảnh khó khăn để “làm cho dân thấy, nói cho dân tin”. Từ đó, việc tuyên truyền và thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào xây dựng quê hương... đạt hiệu quả cao.
Nói về “bí quyết” trong công tác Mặt trận để tạo uy tín và niềm tin của nhân dân, ông Hà Văn Vượng đúc kết: "Phải thật sự gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của nhân dân để phản ánh lên chính quyền địa phương; giải quyết nhanh gọn, hài hòa các mối quan hệ, mẫu thuẫn trong đời sống nhân dân; không ngừng khơi gợi tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc để người dân đoàn kết xây dựng đời sống mới".
Ông Hà Văn Vượng bộc bạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, phải không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp. Cũng vì lý tưởng đó, dù có khó khăn, vất vả, bản thân ông luôn cố gắng vượt qua, làm tốt trọng trách của Ban công tác Mặt trận thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Thọ, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Rvê, ông Hà Văn Vượng với vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiệt tình, tích cực trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân vùng biên, thật sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng đứng chân trên địa bàn. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, mà nhờ gần gũi, sâu sát với đời sống nhân dân nên ông Hà Văn Vượng luôn có mặt ở mọi “điểm nóng” trong thôn để kịp thời hòa giải các mâu thuẫn trong dân. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế; động viên con em trong thôn ra sức học tập; vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường; tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia... xứng đáng là “điểm tựa” vững chắc của người dân thôn 12.
Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê Trần Lệ Thủy cho rằng, công tác Mặt trận có những đặc thù riêng, do đó người làm công tác Mặt trận cũng cần tố chất riêng để phát huy vai trò của mình. Một trong những yêu cầu của người làm công tác Mặt trận là “trận nào cũng phải có mặt”, thật sự bền bỉ, nhẫn nại, lắng nghe nhân dân để làm cầu nối giữa nhân dân với chính quyền; tuyên truyền đúng và đủ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân; đặc biệt phải kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống; huy động được sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Hà Văn Vượng là người hội tụ được những phẩm chất trên, trở thành “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Gương sáng của buôn làng
Cùng được vinh danh trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” năm 2024, già làng Y Mosk Hra (sinh năm 1958, dân tộc Ê Đê, ở buôn Drang Phốk, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn) cũng là tấm gương sáng để buôn làng noi theo.
Buôn Drang Phốk nằm sâu trong Vườn quốc gia Yok Đôn, có 8 dân tộc cùng sinh sống là Êđê, M’nông, J’rai, Lào... với 144 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Nơi đây có khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, đất sản xuất hạn hẹp, đời sống người dân còn khó khăn.
Trong bối cảnh đó, già làng Y Mosk Hra không chỉ vươn lên làm kinh tế khá, nuôi dạy các con học tập đầy đủ... mà còn làm tốt vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần 14 năm qua.
Từ năm 2011, ông Y Mosk Hra được chính quyền, nhân dân tín nhiệm giao trọng trách làm Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn; đến năm 2018 trở thành già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân ông cũng ý thức được trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của buôn làng nên luôn nỗ lực, đoàn kết các dân tộc anh em trong buôn, ra sức lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của buôn làng.
Theo già làng Y Mosk Hra, với trách nhiệm của một đảng viên, ông luôn đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm gương cho người dân noi theo. Nhận thức rõ điều kiện kinh tế, đời sống của nhân dân còn khó khăn nên trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng tranh thủ vận động nhân dân phải xóa bỏ hủ tục; ra sức lao động, phát triển kinh tế; không phá rừng làm nương rẫy; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật... Đặc biệt, già làng Y Mosk Hra luôn nhắc nhở, vận động cư dân vùng biên giới phải phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ đường biên cột mốc, chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia... tuyệt đối không nghe, không tin, không làm theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến buôn làng.
“Trăn trở lớn nhất hiện nay là dù đời sống người dân đã được nâng cao, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đầy đủ nhưng nhiều gia đình vẫn khó khăn. Do đó, những gia đình đặc biệt khó khăn luôn được tôi quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, tôi luôn nhắc nhở người dân phải gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, truyền lại cho con cháu mai sau, để buôn làng phát triển về kinh tế và giàu bản sắc của các dân tộc anh em”, già làng Y Mosk Hra chia sẻ.
Nói về vai trò của già làng Y Mosk Hra, Bí thư Chi bộ buôn Drang Phốk Y Tê Bkrông đánh giá: Ông Y Mosk Hra luôn là người mẫu mực trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiên phong trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, thực hiện tốt vai trò của một già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành trung tâm đoàn kết của buôn làng, là tấm gương sáng để người dân noi theo, góp phần xây dựng buôn Drang Phốk ngày càng phát triển.
Theo Đại úy Y Hán Hwing, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk, ông Y Mosk Hra là cầu nối quan trọng trong công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng, hệ thống chính quyền trong tuyên truyền để nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bộ đội Biên phòng, thông qua các già làng, trưởng buôn, người có uy tín để trao đổi tình hình địa bàn, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, tháo gỡ những khó khăn trong đời sống; đồng thời, vận động nhân dân tuân thủ các quy định ở biên giới, tham gia tích cực trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Những “điểm tựa” của buôn làng ở vùng biên Đắk Lắk tuổi có thể cao, sức có thể yếu nhưng nhiệt huyết với công việc luôn “bừng cháy”, bởi vì mọi sự nỗ lực của già làng, người có uy tín sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, tươi sáng hơn./.