An sinh

Những ngôi nhà nặng nghĩa đồng bào

Cà Mau

Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo; đồng thời, thành lập các đoàn công tác vận động nguồn lực, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn trong năm 2025.

Những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố đang thay thế cho những mái nhà tạm, dột nát trước đây của các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ nghèo là đồng bào Khmer tại tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng chính là kết quả tích cực của phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ đó, giúp người dân từng bước hiện thực giấc mơ “an cư”.

* Những ngôi nhà mơ ước

Lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu và nhà tài trợ cắt băng khánh thành 2 căn nhà đầu tiên trong tổng số 700 căn nhà do Bộ Công an hỗ trợ các hộ nghèo tại Bạc Liêu. 
Ảnh: Chanh Đa TTXVN

Trở lại xã Hưng Hội, một trong những địa phương có tỷ lệ người Khmer chiếm trên 75% dân số của huyện Vĩnh Lợi, không khó nhận thấy sự thay da, đổi thịt nhanh chóng của phum, sóc nơi đây. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện rộng khắp là minh chứng cụ thể, sinh động của phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn tiêu biểu của huyện. Càng ấm lòng hơn khi những hộ đồng bào dân tộc Khmer nơi đây còn gặp khó khăn về nhà ở đã kịp thời nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong chương trình xóa nhà tạm, dột nát

Trong căn nhà còn thơm mùi vữa, bà Sơn Sà Qui, ở ấp Cả Vĩnh, xã Hưng Hội, vẫn chưa hết xúc động về căn nhà mới kiến cố mới được hỗ trợ xây dựng. Cả đời làm lụng vất vả, nhưng cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt qua ngày. Ở tuổi đã xế chiều thì việc có được số tiền lớn để cất một ngôi nhà kiên cố, khang trang quả là điều ước xa xôi.

Bà Sơn Sà Qui chia sẻ "trước đây, nhà tôi xây dựng bằng cây lá tạm bợ, xập xệ, chỉ đủ để che nắng, chứ mỗi khi trời mưa lớn là nhà bị dột khắp nơi. Nhưng làm còn không đủ ăn nên đâu có tiền để sửa chữa, đành ở tạm, tới đâu hay tới đó. Bây giờ, được Nhà nước hỗ trợ cho căn nhà khang trang nên gia đình mừng lắm. Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ là mình có căn nhà tường đẹp như thế để ở. Xin cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ gia đình!".

Niềm vui của hộ dân đồng bào dân tộc Khmer ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) trong ngày khánh thành ngôi nhà mới. 
Ảnh: Chanh Đa TTXVN

Còn đối với bà Thạch Thị Phôl (ngụ ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), căn nhà mới sẽ giúp bà cùng gia đình an cư khi bà tuổi đã xế chiều. Cả cuộc đời đi làm thuê, số tiền kiếm được chỉ đủ ăn qua bữa, ở cái tuổi 64, vợ chồng ông bà Phôl còn phải cưu mang 2 cháu nhỏ khi cô con gái thường xuyên đi làm ăn xa. Giờ đây, trong căn nhà mới được xây dựng bằng bê tông kiên cố, lợp mái tôn thay cho căn nhà mục nát, mấy bà cháu không còn sợ mưa dột, gió lùa. Căn nhà mới là “tổ ấm” để mấy bà cháu nương tựa nhau, để con gái của bà Phôl yên tâm đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Bà Thạch Thị Phôl xúc động cho biết: "Có nhà kiên cố rồi thì ấm cái lòng hơn. Không phải lo lắng những lúc nắng mưa thất thường. Có chỗ ở khang trang, vững chãi thì chăm con chăm cháu ở nhà cũng an lòng hơn!".

* Hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn

Ông Trần Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh tập trung thực hiện xóa nhà tạm, dột nát cho 3 nhóm đối tượng gồm hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc đã tăng cường vận động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai xây dựng nhà ở cho các nhóm đối tượng để kịp tiến độ được giao.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đại diện Bộ Công an thực hiện nghi thức khánh thành và cất nóc triển khai xây dựng nhà cho hộ dân. 
Ảnh: Chanh Đa TTXVN

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực kêu gọi, vận động doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn kinh tế tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ xóa nhà tạm, dột nát nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở.

Để thực hiện hiệu quả phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, Bạc Liêu đã thành lập Ban chỉ đạo 3 cấp; phân bổ chỉ tiêu tới các địa phương cụ thể và kiểm tra, giám sát thường xuyên để có hướng chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Tỉnh đã đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng chung sức thực hiện phong trào mang ý nghĩa nhân văn này.

Tính đến cuối tháng 5, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và hoàn thành 1.758/2.537 căn nhà. Tỉnh sẽ phấn đấu vận động nguồn lực xây dựng 779 căn còn lại, hoàn thành trước ngày 1/7/2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, thời gian qua, hưởng ứng phong trào, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo; đồng thời, thành lập các đoàn công tác vận động nguồn lực, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn trong năm 2025.

Qua rà soát nhu cầu xây dựng nhà ở cho đối tượng, Bạc Liêu có 2.537 căn nhà cần được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa với tổng kinh phí trên 146 tỷ đồng. Số tiền phải đầu tư là quá lớn, trong khi Bạc Liêu còn là một tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ, thu ngân sách không đủ chi. Bên cạnh đó, trên địa bàn không có những tập đoàn kinh tế lớn nên việc vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho người dân xóa nhà tạm, dột nát còn rất hạn chế.Trong điều kiện ấy, Bạc Liêu đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, dột nát từ nguồn vận động hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là vai trò của thành viên Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, dột nát các cấp, cùng với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Chương trình xóa nhà tạm, dột nát không chỉ mang lại những mái ấm kiên cố mà còn thắp lên niềm tin, hy vọng về tương lai tươi sáng của những gia cảnh và mảnh đời còn gặp nhiều cơ cực, khó khăn trong cuộc sống; đồng thời, qua đó cũng một lần nữa khẳng định tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" của tỉnh Bạc Liêu trong việc mang lại mái ấm cho người nghèo, để họ an cư và hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Danh Chanh Đa

Xem thêm