Ngoài dấu mốc 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4 còn là điểm ghi nhớ cho rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.
* Sự kiện:
- Ngày 30/4/1952: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử ông Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam ở Liên Xô.
- Ngày 30/4/1954: Kết thúc Đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ: Nỗi khiếp sợ dành cho quân Pháp
Đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4/1954.
Đây là đợt tiến công dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào.
Kết thúc đợt 2, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng ½ tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía Đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.
Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
- Ngày 30/4/1960: Hội đồng Chính phủ họp bàn về cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương cho công nhân viên chức; Tách Bộ Nông lâm thành Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Thủy sản.
- Ngày 30/4/1974: Khánh thành cầu Kiến An-Hải Phòng nối liền quốc lộ 5 với quốc lộ 10.
- Ngày 30/4/1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn-Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!
Không chỉ là chiến dịch tiến công chiến lược có quy mô lớn nhất, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điều hành tác chiến chiến dịch của quân đội ta mà quan trọng hơn, chiến dịch này chính là chiến dịch quyết chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
- Ngày 30/4/2000: Chính thức khởi công xây dựng Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Bách hóa Tổng hợp cũ) Hà Nội
Trung tâm thương mại Tràng Tiền được xây mới cao 6 tầng và 1 tầng âm, có diện tích sàn sử dụng 18.000 m2 với tổng vốn đầu tư 145 tỷ đồng; 4 tầng dưới là khu buôn bán siêu thị, trong đó có 3 gian dành để hội thảo các vấn đề thương mại; Tầng 5 và 6 là các văn phòng giao dịch thương mại…
Chủ đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Tràng Tiền-liên doanh giữa Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty thương mại Hà Nội.
Công trình được chính thức đưa vào hoạt động ngày 3/2/2002.
- Ngày 30/4/2001: Chùa Phật Tổ ở phường 4, thành phố Cà Mau được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là công trình kiến trúc-nghệ thuật. Chùa được xây dựng vào năm 1840. Đến năm 1842, Triều Nguyễn đã xuống chiếu sắc phong chùa Phật Tổ là “Sắc tứ Quan Âm cổ tự”.
- Ngày 30/4/2002: Khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu
Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công.
Khánh thành ngày 19/1/2009, cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài toàn tuyến 8.331m, trong đó có cầu chính số 1 và số 2 dài 2.878m. Cầu chính số 1 là cầu dây văng, có hai trụ tháp cao 106 m/trụ, mỗi trụ dây văng được đặt trên 20 cọc khoan nhồi, đường kính 2m/cọc, cắm sâu vào lòng đất 90m.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cầu khoảng 1.400 tỷ đồng.
Cầu hoàn thành đã giúp kinh tế tỉnh Bến Tre phát triển, phá thế cô lập của tỉnh này với cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Ngày 30/4/2004: Khánh thành Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn 1
Công trình Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nằm trên đồi D1 ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, là công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại, biểu tượng tinh thần quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Khởi công đúc từ ngày 10/10/2003 và khánh thánh ngày 30/4/2004, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ có chiều cao 12,6m, dài 10m và rộng 8m, được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 220 tấn, mô phỏng hình ảnh 3 anh bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé người Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng.
Năm 2009, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn 2 được khánh thành với nhiều hạng mục quan trọng như: Bức phù điêu đại cảnh lớn nhất Đông Nam Á; Quảng trường trung tâm; đường hành lễ...
- Ngày 30/4/2005: Khởi công xây dựng nút giao thông Ngã Tư Sở
Nút giao thông Ngã Tư Sở, Hà Nội có tổng vốn đầu tư 1.139,6 tỷ đồng.
Các hạng mục chính được xây dựng gồm có: 1 cầu vượt dài 237m, rộng 17m; hầm cho người đi bộ và các hạng mục mở rộng nút giao thông. Việc đưa vào vận hành nút giao thông Ngã Tư Sở góp phần giảm ách tắc giao thông ở cửa ngõ phía Tây Nam thủ đô.
Ngày 19/5/2007, công trình chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.
- Ngày 30/4/2006: Hợp long cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh)
Cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Cửa Lục, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã chính thức hợp long sau gần 3 năm khởi công xây dựng.
Cây cầu có tổng vốn đầu tư là 2.142 tỷ đồng, là cây cầu dây văng bê tông dự ứng lực 1 mặt phẳng đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, có chiều dài 903m, rộng 25,3m (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ), tĩnh không thông thuyền 50m.
Ngày 2/12/2006, Cầu Bãi Cháy được khánh thành và đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo giao thông thuận tiện, thông thương hàng hoá; đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng tam giác kinh tế phía Bắc nói chung.
- Ngày 30/4/2011: Chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng Hồ bơi lọc nước biển nhân tạo lớn nhất châu Á tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu (khu 3, Đồ Sơn, TP Hải Phòng)
Công trình tạo nên điểm nhấn hiện đại, độc đáo hiếm có cho quần thể du lịch "sơn thuỷ hữu tình" Đồ Sơn.
Hồ bơi có diện tích gần 7 ha do Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dáu quản lý và khai thác. Đây là hồ bơi lọc nước biển và tạo sóng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với độ sâu 2,5m. Nguồn nước trong hồ được lấy từ nguồn nước biển sẵn có của Đồ Sơn, sau đó đưa qua hệ thống lọc xử lý cặn bẩn theo công nghệ Tây Ban Nha, trở thành màu nước trong xanh giữ nguyên độ mặn, tạo sóng suốt bốn mùa. Bên cạnh hồ bơi lớn là hồ bơi nhỏ dành cho trẻ em với độ sâu an toàn, ở giữa hồ lắp hệ thống cầu trượt cho các cháu thoả sức vui đùa.
- Ngày 30/4/2012: Công bố Quyết định của Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tịnh Biên, tỉnh An Giang là đô thị loại IV và chính thức khánh thành khu hành chính huyện Tịnh Biên được di dời từ thị trấn Nhà Bàng về thị trấn Tịnh Biên.
- Ngày 30/4/2013: Khánh thành các công trình cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đường Võ Chí Công thuộc “Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, tại TP Đà Nẵng.
Tuyến đường Võ Chí Công, cầu Nguyễn Tri Phương bắc qua sông Cẩm Lệ, cầu Khuê Đông vượt sông Cái với tổng chiều dài gần 7km, rộng 33m. Tổng kinh phí thực hiện 3 công trình là 1.220 tỷ đồng.
Cụm công trình hoàn thành góp phần tạo nên một trục giao thông vận tải chính quan trọng, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân khu vực, mở rộng và phát triển đô thị phía Nam thành phố.
- Ngày 30/4/2014: Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đón nhận danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt
Ngày 20/7/1954, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam- Bắc, lấy vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách. Trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, trở thành biểu tượng của sự chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Con sông Hiền Lương rộng khoảng hơn 100m nhưng cả dân tộc Việt Nam phải đi 21 năm ròng mới có thể nối đôi bờ Nam - Bắc.
Vào dịp 30/4 hàng năm, tỉnh Quảng Trị đều tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông. Đây là dịp để tôn vinh những chiến công bất tử, những hy sinh của quân dân ta thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
- Ngày 30/4/2015: Khánh thành Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy
Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy bao gồm tòa nhà 12 tầng nổi, hai tầng hầm gồm các khoa khám chữa bệnh, phẫu thuật gây mê hồi sức, hóa trị-xạ trị, ghép tế bào gốc, chẩn đoán hình ảnh… với quy mô 250 giường nội trú được xây dựng trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 428 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trung tâm thực hiện nguyên tắc điều trị ung thư đa mô thức kết hợp các phương pháp xạ trị, hóa trị, phẫu thuật và các phương pháp tiên tiến khác nhằm đạt 3 mục tiêu về chất lượng điều trị, hiệu quả chữa bệnh và hiệu quả kinh tế.
- Ngày 30/4/2016: Khai trương tuyến xe buýt Ga Hà Nội-sân bay Nội Bài có số hiệu 86. Đây là tuyến buýt không trợ giá với chiều dài lộ trình quãng đường 33km, 8 điểm dừng đỗ.
Ngay khi vừa khai trương tuyến buýt đã thu hút được nhiều hành khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài.
- Ngày 30/4/2017: Cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai nối 3 tuyến quốc lộ huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chính thức thông xe
Cầu An Hảo dài 2km; trong đó, phần cầu chính 500m, rộng 23m với 6 làn xe, phần còn lại là đường dẫn từ cầu An Hảo đến cầu Bửu Hòa. Cầu có kết cấu với phần chính gồm 1 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cần bằng; phần cầu dẫn gồm 7 nhịp dầm giản đơn Super T. Phía dưới gồm 2 mố và 9 trụ được đúc bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ.
Cầu An Hảo thuộc dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và hai tuyến đường đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa. Công trình xây dựng theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) do Tổng Công ty xây dựng số 1 (CC1 Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.
- Ngày 30/4/2021: Phát hành bộ tem "Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19"
Bộ tem “Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19” gồm 2 mẫu. Nội dung của mẫu 1 là Thông điệp 5K của Bộ Y tế 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Trên nền màu xám chìm của hình tượng virus, 5 thông điệp được hình ảnh hóa để dù không có chú thích tiếng Việt, mọi người đều có thể hiểu được thông điệp qua việc sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, hình ảnh ký hiệu. Mẫu tem 1 có nhiều mầu sắc bắt mắt, nội dung truyền tải đơn giản, dễ hiểu.
Mẫu 2 thể hiện hình tượng bàn tay người bác sỹ đang lấy vaccine phòng COVID-19 vào xi-lanh và những lọ vaccine với niềm tin vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp con người chiến thắng dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế phát triển.
Bộ tem có khuôn khổ 32 x 43mm do họa sỹ Tô Minh Trang (công tác tại Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Bộ tem được cung ứng tại 63 bưu điện tỉnh, thành phố và được lưu hành rộng rãi tại 192 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc Tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới.
- Ngày 30/4/2021: Thắng cảnh Bàu Trắng (Bình Thuận) được xếp hạng Di tích quốc gia
Nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 60 km về phía Bắc, Bàu Trắng là một thắng cảnh hùng vĩ, nên thơ do thiên nhiên ban tặng từ hàng nghìn năm qua. Quần thể thắng cảnh Bàu Trắng nằm trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né (tỉnh Bình Thuận). Nơi đây có 2 hồ nước được gọi là Bàu Ông, Bàu Bà và đồi cát có tên là đồi Trinh nữ. Dù nằm giữa một vùng quanh năm nắng gió, khô cằn nhưng nước trong bàu vô cùng dồi dào và trong mát. Nhờ đó, cây cối xung quanh phát triển, tươi tốt như một ốc đảo. Điểm nổi bật là Bàu Trắng được bao quanh bởi đồi cát Trinh nữ với màu cát trắng phau, kéo dài uyển chuyển như những dải lụa. Bên cạnh sự nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bàu Trắng còn được biết đến là một địa danh cách mạng nổi tiếng gắn với Khu căn cứ kháng chiến Lê Hồng Phong, nơi ghi dấu những năm tháng chiến đấu oanh liệt, hào hùng đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân Bình Thuận.
Với địa hình, địa thế và cảnh đẹp có một không hai đó, Bàu Trắng đã lọt vào Top 100 điểm đến ấn tượng Việt Nam năm 2013, điểm đến được ưa thích ASEAN năm 2014 và Top 100 điểm du lịch được yêu thích khu vực phía Nam năm 2016.
- Ngày 30/4/2022: Công viên nước lớn nhất Việt Nam mở cửa đón khách
Công viên nước Vịnh Kỳ Diệu - The Amazing Bay thuộc Thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên, Đồng Nai, có diện tích 25 ha, vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng với sức chứa lên đến 30.000 du khách đã mở cửa đón du khách vào ngày 30/4/2022.
Công viên nước Vịnh Kỳ Diệu - The Amazing Bay được thiết kế, xây dựng dựa vào huyền thoại đại dương, với truyền thuyết “Long Vương và Nữ thần Ngọc Trai” với 5 phân khu. Dự án này đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam xác lập 5 kỷ lục: Công viên nước lớn nhất; Biển nhân tạo lớn nhất; Ngọn sóng thần nhân tạo cao nhất; Dòng sông nhân tạo kỳ diệu uốn lượn dài nhất và Công viên nước có màn hình Led ngoài trời lớn nhất.
- Ngày 30/4/2022: Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam
Diễn ra từ ngày 30/4 đến 1/5/2022, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ngài Kishida Fumio trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản.
Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có nhiều hoạt động quan trọng. Tại các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo của 2 nước vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và đạt nhận thức chung rộng rãi về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Nhân dịp này, hai bên nhất trí thông qua Bản cập nhật tiến độ hợp tác gồm 8 lĩnh vực: Hợp tác y tế; đầu tư và thương mại; ODA và cơ sở hạ tầng; giao lưu nhân dân; môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác tư pháp, quốc phòng an ninh; hợp tác văn hóa, giáo dục.
* Nhân vật:
- Ngày 30/4/1911: Ngày sinh Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há
Nghệ sĩ Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo. Bà được coi là vị tổ cuối cùng của nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Suốt một đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương, bà đã làm rạng rỡ tên tuổi của hàng chục đoàn hát, hóa thân với hàng trăm nhân vật, mà ở nhân vật nào, cũng được bà lột tả đến tận cùng tính cánh và số phận, như: Lữ Bố trong “Phụng Nghi Đình”, Nguyệt trong “Tô Ánh Nguyệt”, Dương Quý Phi trong “Tình sử Dương Quý Phi”, Lựu trong “Đời cô Lựu”…
Phùng Há không chỉ là nghệ sĩ với giọng hát xuất sắc, diễn xuất tinh tế, bạn bè và mà còn là người có tấm lòng cao đẹp trong đời sống. Bà là người sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sỹ và chùa Nghệ sỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh để chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn.
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há mất ngày 5/7/2009.
- Ngày 30/4/2006: Ngày mất nhà văn Vũ Bão
Nhà văn Vũ Bão tên thật là Phạm Thế Hệ sinh ngày 4/9/1931. Ông có lối viết hóm hỉnh, dễ đọc, nhưng đằng sau câu chữ là những tầng ý sâu sắc. Các tác phẩm của ông phản ánh hiện thực cuộc sống của nhân dân ta trong từng thời kỳ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông là tác giả của khoảng 30 tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký văn học… với các bút danh: Vũ Văn Bảo, Tạ Văn Dung, Hồ Huỳnh, nhưng chủ yếu là bút danh Vũ Bão.
Bùi Ngọc Tấn đã từng nhận xét: “Vũ Bão là người sinh ra để cười. Mỗi tế bào trong người anh đều muốn được cười. Cười trong tác phẩm. Cười trong cuộc đời. Cười như một đứa trẻ. Và cười như một ông lão lõi đời giễu tất cả… Một mình anh làm nên một dòng riêng. Dòng cười Vũ Bão”./.
Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa