Nơi đây sẽ tạo ấn tượng cho du khách đi chơi chợ, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian do chính cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu.
TTXVN - Ngày 24/4, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Tại Làng sẽ diễn ra các sự kiện với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất” vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Tại đây sẽ giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là văn hóa chợ vùng cao “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng”. Nơi đây sẽ tạo ấn tượng cho du khách đi chơi chợ, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian do chính cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu.
Chợ có sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, vui chơi gắn với dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật của dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao (Cao Bằng). Trung tâm của chợ là các gian hàng của Cao Bằng, giới thiệu nhiều sản vật dân tộc, gia vị đặc trưng, ẩm thực (các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông như thắng cố, rượu ngô, xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...), giới thiệu văn hóa - du lịch.
Tại đây cũng giới thiệu không gian văn hóa chợ của người Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao..., tái hiện việc trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố chúc tụng chia vui, biểu diễn điệu khèn; không gian đồng bào Tày, Nùng sẽ là hát sli, lượn,… hát giao duyên khi đi chơi chợ. Ở chợ, đồng bào các dân tộc còn giới thiệu lịch sử, quy trình, nguyên liệu, chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng độc đáo như nấu rượu, làm xôi ngũ sắc, quy trình dệt vải, làm hương, nghề in sáp ong...
Cụ thể, 10 đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Cao Bằng sẽ giới thiệu nghệ thuật khèn Mông. Tiếng khèn được coi là cầu nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh của con người. Đây là biểu trưng văn hóa dân tộc, phương tiện kết nối cộng đồng, giao lưu văn hóa, mang nét độc đáo của dân tộc. Kỹ thuật, động tác múa khèn của đồng bào Mông đa dạng. Trong đó, người chơi khèn vừa thổi vừa múa khèn là động tác khó nhất. Múa khèn cũng có nhiều bài và thể hiện ở nhiều cung bậc cảm xúc như khèn gọi bạn, khèn tỏ tình.
Đồng bào Dao (Dao Tiền) giới thiệu nghề thủ công truyền thống in hoa văn sáp ong trên vải, công việc này do người phụ nữ đảm nhận. Ngày nay, đời sống đã có nhiều thay đổi, nhưng nghề in sáp ong truyền thống vẫn được đồng bào bảo tồn và duy trì.
Còn đồng bào Nùng giới thiệu nghề làm hương Phia Thắp hoàn toàn tự nhiên, theo cách cổ truyền. Để làm được hương, đầu tiên đồng bào phải tìm hái lá cây bầu hắt để tạo chất keo dính. Chân hương được làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai, vừa thẳng, dẻo lại dễ bắt lửa. Tiếp đến là công đoạn phủ trầm, cây nhang sẽ được nhúng vào lớp keo lá, rồi rắc bột mùn cưa lên. Mùn này làm từ cây tràm, mạy khảo, được người dân chặt trước cả năm, để hóa mùn rồi mới đem trộn với trầm hương. Ngày có nắng, đồng bào đem hương ra phơi để hương khô tự nhiên.
Có 15 nghệ nhân đồng bào dân tộc Lô Lô tham gia tái hiện Lễ hội cầu mưa. Lô Lô là dân tộc thiểu số rất ít người, nhưng họ còn giữ được khá nguyên vẹn những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời. Lễ cầu mưa là một nghi lễ quan trọng của, tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, gắn kết cộng đồng và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người Lô Lô.../.
- Từ khóa:
- “Ngày hội non sông thống nhất”
- lễ 30/4
- 1/5