Nhiệm vụ của các tổ công tác là thường xuyên bám sát cơ sở, tập trung giải quyết kịp thời nguồn nước cho người dân và nước uống cho gia súc; kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt, nước uống trong suốt mùa khô hạn năm 2024.
TTXVN - Tại Ninh Thuận, tình hình khô hạn gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân ở một số địa phương. Theo Công ty Trách nhiệm hữu han Một thành viên Khai thác các công tình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, đến sáng 6/5, tổng lượng nước ở 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 153,33 triệu m3/417,70 triệu m3 dung tích thiết kế; 2 hồ chứa đã khô trơ đáy; nhiều hồ có mực nước thấp hơn mực nước chết.
Do thiếu nước tưới, nhiều diện tích trồng nho ở một số địa phương của huyện Ninh Hải và một số diện tích trồng sầu riêng ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn đang bắt đầu khô héo, thiệt hại sẽ không nhỏ nếu như những ngày tới không giải quyết được nguồn nước tưới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, khó khăn trước mắt cần giải quyết là chủ động nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc và nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao. Do khó khăn về nguồn nước, vụ Hè Thu này, hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam dự kiến dừng sản xuất với diện tích trên 4.400 ha.
Để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân do hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn tác động, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định thành lập 3 tổ công tác, thường xuyên kiểm tra tình hình hạn hán tại các địa phương. Qua đó, chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó kịp thời và hiệu quả, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của người dân trước bối cảnh hạn hán đang diễn ra gay gắt.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, các tổ công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng phụ trách lĩnh vực phòng, chống thiên tai chỉ đạo trực tiếp; lãnh đạo các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm phụ trách từng địa bàn để theo dõi việc triển khai thực hiện, phối hợp theo dõi chỉ đạo, kiểm tra và vận hành, đảm bảo công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và cụ thể theo từng địa phương.
Nhiệm vụ của các tổ công tác là thường xuyên bám sát cơ sở, tập trung giải quyết kịp thời nguồn nước cho người dân và nước uống cho gia súc; kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt, nước uống trong suốt mùa khô hạn năm 2024; trong đó, ưu tiên tạo các nguồn nước bảo đảm phục vụ đủ nước uống, nước sinh hoạt cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tổ công tác chỉ đạo các địa phương tổ chức gieo trồng vụ Hè Thu đúng theo kế hoạch đề ra; kiên quyết không tổ chức tưới những diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch; khẩn trương kiểm tra, khảo sát xây dựng kế hoạch đào ao, tạo nguồn nước uống tại chỗ cho đàn gia súc. Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân khẩn trương di chuyển đàn gia súc đến những khu vực có nguồn thức ăn, nước uống, không để gia súc chết do không có thức ăn, suy dinh dưỡng và phát sinh dịch bệnh…
Các đơn vị liên quan, các chủ rừng chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy rừng; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng chia sẻ, do nắng hạn có thể kéo dài, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tích cực chủ động ứng phó, tập trung rà soát nhu cầu sử dụng nước. Trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt; nước uống cho gia súc và nước tưới cây lâu năm có giá trị kinh tế cao; tổ chức sản xuất từng vùng phù hợp, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn, gắn với hệ thống tưới tiết kiệm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng sản xuất ngoài kế hoạch; đồng thời tổ chức nạo vét các hệ thống ao, hồ, các tuyến kênh để tích nước phục vụ sản xuất và nước uống cho đàn gia súc./.
- Từ khóa:
- Ninh Thuận
- tổ công tác
- kiểm tra
- hạn mặn