Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật dân gian hình thành và phát triển trong cộng đồng, được truyền thụ qua các buổi đờn ca tại gia, những buổi gặp gỡ đầy tri âm, tri kỷ.
Được xem là cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Long An (nay là Tây Ninh mới) đã và đang từng bước khẳng định vai trò trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đờn ca tài tử Nam Bộ vốn là loại hình nghệ thuật dân gian hình thành và phát triển trong cộng đồng, được truyền thụ qua các buổi đờn ca tại gia, những buổi gặp gỡ đầy tri âm, tri kỷ. Với Long An (cũ), vùng đất này không chỉ sản sinh ra nhiều nghệ nhân, tài tử nổi tiếng mà còn lưu dấu nhiều cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nghệ thuật tài tử khắp Nam Bộ.
Tiến sĩ Đỗ Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ, trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An vừa có đề tài nghiên cứu "Đờn ca tài tử ở tỉnh Long An - giải pháp và phát triển". Đề tài gồm các nội dung: Tiến trình hình thành và đặc điểm các giai đoạn phát triển Đờn ca tài tử tỉnh Long An; Thực trạng Đờn ca tài tử tỉnh Long An từ năm 1993 - 2024; Những giải pháp cơ bản khắc phục hạn chế và bảo tồn Đờn ca tài tử tỉnh Long An; Những giải pháp phát triển Đờn ca tài tử tỉnh Long An trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, hình thức bảo tồn chính của Đờn ca tài tử Nam Bộ là thông qua các lớp truyền nghề, tập huấn về Đờn ca tài tử. Tuy nhiên, phần nhiều hoạt động này đều mang tính tự phát, chưa có định hướng lâu dài cũng như rất eo hẹp về kinh phí.
Theo Tiến sĩ Đỗ Quốc Dũng, một trong những mô hình để phát triển Đờn ca tài tử thời gian tới là đưa Đờn ca tài tử vào phục vụ du lịch; đồng thời, nghiên cứu thiết kế và xây dựng mô hình truyền dạy Đờn ca tài tử hiện nay. Để theo kịp thời đại, Đờn ca tài tử hiện nay phải đổi mới phương pháp truyền dạy, có thể gọi là phương pháp đào tạo. Vì phương pháp truyền nghề là cầm tay chỉ việc không mang tính khoa học, còn phương pháp đào tạo là vừa mang tính truyền nghề kết hợp phương pháp đào tạo hiện đại mang tính khoa học. Nghĩa là về lý thuyết loại hình (âm nhạc) thì giảng viên giảng dạy, về thực hành thì do nghệ nhân giỏi truyền dạy. Như vậy, một học viên được đào tạo xong lớp học hay khóa tập huấn thì sẽ tương đối đầy đủ kiến thức chuyên môn cả về lý thuyết và thực hành.
Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An (cũ) cũng đã tổ chức 2 cuộc thi sáng tác lời ca mới cho Đờn ca tài tử năm 2024 và 2025, đã có nhiều tác phẩm chất lượng tham gia. Theo kế hoạch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc thi sáng tác lời ca cho Đờn ca tài tử, nội dung ca ngợi về quê hương đất nước, nhất là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Nghệ sĩ Ưu tú Đoàn Dự, nguyên Phó Trưởng đoàn Cải lương Long An, là nghệ sĩ cải lương nhưng cũng rất đam mê Đờn ca tài tử. Từ khi nghỉ hưu, năm 2010 đến nay, ông miệt mài gắn bó cùng Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An cũ) với vai trò đờn kìm. Ông cho biết: "Chơi tài tử là một niềm vui, một cách gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc. Chính sự mộc mạc, tự do trong đờn ca khiến người chơi thăng hoa và kết nối sâu sắc với người nghe. Những buổi sinh hoạt khiến chúng tôi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống”.
Trước đó, tỉnh Long An đã ban hành Đề án Bảo vệ và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2024 – 2026, tầm nhìn đến năm 2030. Theo bà Lê Thị Cẩm Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, đề án đặt mục tiêu tổng thể là bảo tồn và phát triển những giá trị đặc sắc của Đờn ca tài tử trên địa bàn. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 10 tỉ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Đề án tập trung tuyên truyền quảng bá, truyền dạy nghệ thuật, tổ chức giao lưu – hội thi, hỗ trợ kinh phí hoạt động các câu lạc bộ Đờn ca tài tử trên địa bàn.
Việc khơi dậy niềm tự hào và nâng cao trách nhiệm bảo tồn văn hóa trong mỗi người dân là yếu tố cốt lõi để Đờn ca tài tử tiếp tục được gìn giữ và phát huy giữa dòng chảy hiện đại./.
- Từ khóa:
- Đờn ca tài tử
- Nghệ thuật
- Long An
- Tây Ninh
- Nam Bộ