Gần một tháng nay, sinh hoạt của hàng nghìn người dân bị đảo lộn hoàn toàn, từ những nhu cầu thiết yếu như tắm giặt cho đến nấu ăn, nước uống đều khó khăn.
TTXVN - Cứ vào mùa hạn hán, xâm nhập mặn hằng năm, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân các địa phương vùng hạ thuộc huyện Cần Giuộc, Tân Trụ của tỉnh Long An lại tái diễn. Điều này khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, sinh hoạt bị đảo lộn.
* Cuộc sống của người dân đảo lộn
Tại các địa phương này, các giếng khoan tầng thấp tại chỗ không thể lấy nước do nguồn nước bị nhiễm mặn. Trong khi đó, nguồn nước cấp thông qua hệ thống cấp nước tập trung của các nhà máy khan hiếm, không đủ công suất phục vụ cho người dân.
Xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc dù cơ bản được đầu tư hệ thống đường ống từ các nhà máy nước nhưng công suất không đáp ứng nhu cầu khiến việc sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu nước sinh hoạt của toàn xã khoảng 1.800 m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, các đơn vị cấp nước chỉ cung ứng được khoảng 500 m3/ngày, đêm. Điều này khiến hơn 4.700 hộ dân với gần 20.000 nhân khẩu trên địa bàn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Gần một tháng nay, sinh hoạt của hàng nghìn người dân bị đảo lộn hoàn toàn, từ những nhu cầu thiết yếu như tắm giặt cho đến nấu ăn, nước uống đều khó khăn. Nguồn nước yếu, các hộ dân trong khu vực phải thức đêm để canh lấy nước từ hệ thống cấp nước của các đơn vị nhưng vẫn không đủ sử dụng trong ngày. Nhiều người phải đến các địa bàn khác để chở từng can nước về sử dụng hoặc mua nước từ các xe ba gác chở đến với giá khoảng 200 nghìn/m3.
Nước được người dân nơi đây sử dụng tiết kiệm tối đa. Một xô nước có thể vừa dùng để vo gạo nấu cơm, vừa rửa rau, vừa tận dụng để rửa chén bát. Ông Lê Văn Tùng (người dân xã Tân Tập) cho biết: gia đình ông ở đây 40 năm mà vẫn chưa thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt khi đến mùa hạn mặn. Nguồn nước ngọt hợp vệ sinh từ các nhà cung cấp về không đủ. Người dân phải thức canh lúc 1, 2 giờ sáng để lấy nước sử dụng.
Tương tự, tại các xã Nhựt Ninh và Đức Tân của huyện Tân Trụ cũng có gần 200 hộ dân đang phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Các hộ phải trông chờ vào các xe cấp nước lưu động, dùng can nhựa để chở về nhà sinh hoạt. Chị Lê Thị Sa Mơ (ngụ xã Đức Tân) cho biết, gia đình chị phải chờ các xe chở nước đến để lấy về nhà dùng. Mỗi ngày, chị chở được khoảng 6 bình loại 20 lít để dùng trong khoảng 3 ngày. Số nước này cũng phải dùng tiết kiệm, rửa chén, giặt đồ phải dùng nước nhiễm mặn rồi mới xả lại bằng nước ngọt.
* Đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn về nguồn nước
Để giúp người dân có nước hợp vệ sinh sử dụng qua ngày, chính quyền địa phương đã làm việc với các đơn vị cung cấp nước ngọt nhiều lần và chỉ giải quyết được theo phương án tạm thời là cấp nước luân phiên theo từng khu vực. Cùng với đó, các đơn vị phải tổ chức chở nước bằng xe bồn về các địa điểm trên địa bàn xã để cung cấp tạm thời cho người dân sử dụng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, ở xã Tân Tập và một phần xã Phước Vĩnh Tây đang xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng cục bộ. Đây là hai địa phương nằm cuối nguồn cấp nước của tuyến ống Nhà máy nước Nhị Thành, giáp cửa sông ra biển. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân tranh thủ tích trữ nước ngọt khi nhà cung cấp điều tiết, sử dụng tiết kiệm; điều xe chở nước cung cấp luân phiên cho từng khu vực. Về lâu về dài, địa phương sẽ rà soát lại các giếng nước ngầm để giải quyết bài toán cấp bách trong mùa hạn, xâm nhập mặn; đồng thời, phân vùng cấp nước, loại bỏ những nhà đầu tư không có năng lực, phối hợp với Sở Xây dựng Long An xây dựng phương án đầu tư nước sạch phục vụ nhân dân.
Ông Trịnh Phước Trung, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ cho biết, huyện đang khẩn trương kiến nghị ngành chức năng cấp phép nâng công suất một số công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Từ đó, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại địa phương.
Theo đại diện Nhà máy nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (đơn vị cấp nước chính cho các địa phương vùng hạ của tỉnh Long An), nhà máy hiện đã hoạt động hết công suất 60.000 m3/ngày, đêm nhưng vẫn không đủ nước cung cấp cho người dân xã Tân Tập, xã Phước Vĩnh Tây của huyện Cần Giuộc do các địa phương này cuối tuyến ống, áp lực và lưu lượng không đảm bảo.
Hiện, đơn vị đang triển khai xây dựng trạm tăng áp tại xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước) công suất 30.000 m3/ngày, đêm; dự kiến tháng 5/2024 đưa vào vận hành; đồng thời, đầu tư nâng cấp công suất nhà máy lên 120.000 m3/ngày, đêm; lập các phương án lắp đặt đường ống D120 dẫn nước từ kênh Rạch Chanh (thành phố Tân An) về nhà máy xử lý phục vụ nhân dân. Sau khi hoàn thành, đơn vị sẽ đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt cho người dân các địa phương vùng hạ của tỉnh.
Để giải quyết bài toán khó về nguồn nước sạch, Long An đã thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn về nguồn nước ở vùng hạ các huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Nhiều dự án cấp nước quy mô được triển khai như: Dự án cấp nước cho huyện Cần Giuộc và Cần Đước; Dự án án cấp nước cho hai xã Phước Lại, Long Hậu (huyện Cần Giuộc); Dự án cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Đước… Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân; Góp phần đưa tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 99,88%, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 75,2% vào cuối năm 2023.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, tỷ lệ người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn có quy mô nhỏ, không đồng bộ, thiếu mặt bằng, tài chính để cải tạo, nâng cấp; nhiều công trình nhỏ hoạt động chưa hiệu quả, thiếu quan tâm đến chất lượng nước…
Địa phương đang tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ dần các công trình cấp nước có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả để thay thế bằng các công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư các dự án cấp nước có quy mô lớn, sử dụng nguồn nước mặt đạt chất lượng và ổn định, cấp nước bền vững cho người dân./.
- Từ khóa:
- Long An
- hạn hán
- xâm nhập mặn
- nước sinh hoạt
- nước sạch