Giáo dục

Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành sức khỏe vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cần Thơ

Ngày 5/7, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2024 - 2029, chu kỳ II)
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN 

Với vai trò là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong các lĩnh vực mũi nhọn như giáo dục, y tế… các trường có chuyên ngành sức khỏe tại thành phố Cần Thơ luôn nỗ lực tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, hai đơn vị đào tạo bậc đại học nổi bật là Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Đại học Nam Cần Thơ định hướng đạt chuẩn chất lượng kiểm định các chương trình đào tạo. Song song đó là mở rộng quy mô đào tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các chương trình thu hút sinh viên, phát triển các dự án đào tạo và nghiên cứu khoa học liên trường…

* Nỗ lực đạt chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo

Ngày 5/7, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2024 - 2029, chu kỳ II). Đồng thời, 7 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ cũng được đánh giá và công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm: Nội khoa, Nhi khoa, Ngoại khoa, Dược lý - Dược lâm sàng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Răng Hàm Mặt và Y học dự phòng.

Giáo sư Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, đây là kết quả của quá trình tập thể nhà trường nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, chuẩn hóa quy trình, giáo trình, cũng như nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Mục tiêu nhằm đưa chất lượng đào tạo của nhà trường tiệm cận với các trường tiên tiến trên thế giới.

Kết quả đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2024 - 2029) của Trường được đánh giá và công nhận dựa theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí. Trong đó, 4 lĩnh vực: bảo đảm chất lượng về chiến lược, bảo đảm chất lượng về hệ thống, bảo đảm chất lượng về thực hiện chức năng, kết quả hoạt động có điểm đạt cao hơn so với trung bình điểm đạt chung của các trường trong cả nước. Đối với 7 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được đánh giá theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT gồm 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí. Cả 7 chương trình đào tạo đều được chấm đạt yêu cầu trên 90% bộ tiêu chí.

Đến nay, Trường đã có 13 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 48,15% các chương trình đào tạo của Trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Tỷ lệ này vượt mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho các Trường đại học và Cao đẳng trong Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết: Trường đã được Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội trao Giấy Chứng nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2) và cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho nhiều chương trình đào tạo bậc đại học chính quy và chương trình đào tạo bậc thạc sĩ.

Bên cạnh đó, Viện Đổi mới sáng tạo UPM đã cấp Chứng nhận xếp hạng đối sánh 4 sao UPM cho Trường Đại học Nam Cần Thơ vào tháng 6/2023. Ngoài ra, theo Bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2024 vừa được công bố, Trường Đại học Nam Cần Thơ tăng 37 bậc so với năm 2023, vươn lên xếp hạng 61/hơn 230 trường đại học trong cả nước.

* Mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế và thực hành lâm sàng

Năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Nam Cần Thơ tuyển sinh hơn 620 sinh viên các ngành Y Đa khoa, Dược học, Răng – Hàm – Mặt. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, Trường hiện có gần 4.800 sinh viên thuộc khối ngành sức khỏe đang theo học. Thời gian tới, nhà trường sẽ mở nhiều chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo và trao đổi học viên quốc tế.

Nhằm đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã ký kết ghi nhớ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế. Mới đây, nhà trường ký kết hợp tác với Tổ chức The Vietnam Medical Educations - Ấn Độ (VMED) trong các lĩnh vực tư vấn dịch vụ du học và tiếp nhận đào tạo sinh viên quốc tế trong khối ngành sức khỏe tại các nước: Ấn Độ, Srilanka, Nepal, các nước Trung Đông…Trên cơ sở các ký kết hợp tác đó, năm học 2024 - 2025, 150 sinh viên đến từ 6 quốc gia (đông nhất là sinh viên Ấn Độ) sẽ theo học tại Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: Ngày 24/6 vừa qua, Trường Đại học Nam Cần Thơ công bố quyết định thành lập Khoa y quốc tế. Đây là bước tiếp theo của quá trình đổi mới, hoàn thiện và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng cho cả giảng viên và học viên, sinh viên. Ngoài ra, Trường Đại học Nam Cần Thơ được chính thức có tên trong danh sách các trường đại học Y đạt những tiêu chí do Chuyên trang uy tín WDOMS (World Directory of Medical Schools) bình chọn, trở thành một địa chỉ đào tạo nghề y được công nhận trên thế giới. Ngày 5/7/2024, 205 tân bác sĩ y khoa khóa I (niên khóa 2018 – 2024) được đào tạo tại Trường Đại học Nam Cần Thơ chính thức tốt nghiệp. Đây là các tiền đề để sinh viên Khoa Y của Trường Đại học Nam Cần Thơ có cơ hội được phép thi Chương trình “Bác sĩ Nội trú Hoa Kỳ”, trở thành sinh viên Y khoa quốc tế trong tương lai.

Về phía Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện là thành viên liên kết mạng lưới các trường Đại học ASEAN (AUN). Trường đào tạo 10 ngành bậc đại học, 90 ngành sau đại học và hơn 100 chương trình đào tạo ngắn hạn. Năm học 2023 - 2024, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ tuyển sinh hơn 4.000 sinh viên trong đó, có 200 sinh viên Ấn Độ học ngành Bác sĩ Y khoa; chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, với 191 tín chỉ trong 6 năm.

Ngoài chuẩn hóa chất lượng giảng dạy, hai đơn vị Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Đại học Nam Cần Thơ còn đẩy mạnh thực hành lâm sàng cho học viên thông qua hợp tác với các bệnh viện lớn ở thành phố Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long; cũng như tận dụng lợi thế sẵn có.

Tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ngoài cơ sở vật chất dành cho giảng dạy, nhà trường còn có hệ thống cơ sở vật chất y tế hiện đại: Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ quy mô 700 giường; Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Lão khoa… Các cơ sở vật chất y tế này không chỉ phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, mà còn là những địa điểm quan trọng cho các hoạt động thực hành, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.

Tương tự, Trường Đại học Nam Cần Thơ hiện sở hữu hệ sinh thái gồm: Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu và Phát triển dược liệu, Viện Nghiên cứu – Đào tạo khoa học sức khỏe DNC… Đồng thời, Trường đang triển khai xây dựng các hạng mục còn lại của giai đoạn 2 gồm nhiều dự án quy mô như: Khu Du lịch sinh thái và Viện dưỡng lão Đại học Nam Cần Thơ với diện tích khoảng 109 hecta; khởi công giai đoạn 2 Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ - Tòa nhà 20 tầng, diện tích sàn xây dựng hơn 55.000m2, giá trị đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng… Đây là những công trình nhằm phục vụ nhu cầu thực hành – thực tập, đồng thời là nơi tiếp nhận sinh viên làm việc sau khi tốt nghiệp.

Với những nỗ lực đó, các trường đại học khối ngành sức khỏe ở Cần Thơ đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ giáo dục - đào tạo trong và ngoài nước. Theo Webometrics Ranking of World Universities, tháng 7/2022, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ được xếp hạng 51 tại Việt Nam và vào top 500 trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trường Đại học Nam Cần Thơ được Viện Đổi mới sáng tạo UPM cấp Chứng nhận xếp hạng đối sánh 4 sao UPM. Ở Bảng xếp hạng top 100 trường Đại học Việt Nam năm 2023, do nhóm VNUR (Viet Nam’s University Rankings) thực hiện, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Đại học Nam Cần Thơ đều có tên./.

Ánh Tuyết

Tin liên quan

Xem thêm