Với Thục Nhiên, chính tình yêu đất nước và con người Nga đã trở thành động lực để em chiến thắng và nuôi dưỡng ước mơ kết nối nhịp cầu văn hóa Việt - Nga.
Là đại diện duy nhất của Việt Nam được chọn tham gia Kỳ thi Olympic Tiếng Nga quốc tế năm 2024, em Lưu Lê Thục Nhiên - học sinh lớp 12C6 của Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu đã vượt hơn 2.500 học sinh, sinh viên trên toàn thế giới để đoạt Huy chương Bạc tại kỳ thi này. Với Thục Nhiên, chính tình yêu đất nước và con người Nga đã trở thành động lực để em chiến thắng và nuôi dưỡng ước mơ kết nối nhịp cầu văn hóa Việt - Nga.
*Trách nhiệm với sự lựa chọn
Cơ duyên đến với môn tiếng Nga của Lưu Lê Thục Nhiên đến từ người bác của mình. Bác của Nhiên đã từng học, làm việc ở Nga và thường kể cho em về nước Nga vĩ đại và rất đẹp, đặc biệt là về mùa Đông tuyết trắng. Vì vậy, so với nhiều môn ngoại ngữ khác, tiếng Nga không phải là môn học thời thượng hiện nay của giới trẻ nhưng lại là lựa chọn của Nhiên khi bước chân vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu.
“Khi đã làm quen với tiếng Nga, em thấy đây là môn học khá thú vị bởi em thích cách người Nga nói chuyện, thích cách họ đọc, phát âm. Sau này, càng học em càng yêu tiếng Nga hơn. Em nghĩ đơn giản là đã chọn chuyên Nga thì phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình”, Lưu Lê Thục Nhiên mở đầu câu chuyện.
Dù bắt đầu học tiếng Nga từ năm lớp 10 nhưng Thục Nhiên học khá hiệu quả. Kỳ thi "vượt rào" đầu tiên năm lớp 10, Nhiên đạt hơn 90/100 điểm và là học sinh có điểm thi cao nhất lớp. Đây là động lực để em quyết tâm theo đuổi môn tiếng Nga và là cơ hội để em được tham gia thi chọn đội tuyển của trường dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Lớp 11, khi là một trong 6 thành viên chính thức của trường tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Nhiên xác định dự thi để trải nghiệm, rút kinh nghiệm. Vậy nhưng việc trở thành một trong 2 học sinh của trường đoạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Nga khi chỉ mới học lớp 11 khiến Nhiên vỡ òa cảm xúc.
Chia sẻ về bí quyết học tiếng Nga của mình, Thục Nhiên cho biết, ngoài luyện đề, em dành khá nhiều thời gian ở nhà để luyện nghe và nói bằng cách nghe radio, lên Youtube để nghe hằng ngày. Thục Nhiên tranh thủ mọi thời gian để nghe, kể cả khi ăn, khi tắm, vừa nghe vừa học cách nói của người Nga nên nhờ đó em cải thiện được cách phát âm rất nhiều.
Trong quá trình học, em đặt ra mục tiêu, mỗi ngày sẽ tự nói, ghi âm để ghi lại cảm xúc sau một ngày và kế hoạch cho ngày hôm sau. Việc bóc ghi âm sẽ giúp em xem lại được âm lượng cách phát âm của mình để có sự điều chỉnh phù hợp. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, các cô giáo ở trường, trong đó có cô giáo người Nga cũng hỗ trợ em rất nhiều.
*Ước mơ kết nối văn hóa Việt - Nga
Cuộc thi Olympic tiếng Nga quốc tế là một cuộc thi có lịch sử trên 40 năm về năng lực tiếng Nga và các kiến thức về đất nước, con người Nga dành cho học sinh không có quốc tịch Nga đến từ khắp nơi trên thế giới. Sau nhiều năm bị gián đoạn, năm 2024, kỳ thi chính thức được tổ chức lại. Ngoài là học sinh giỏi quốc gia, Thục Nhiên còn vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Kỳ thi Olympic tiếng Nga vào tháng 11/2024 tại Cộng hòa Liên bang Nga.
Trước khi tham dự, Thục Nhiên có 15 ngày chuẩn bị. Trong thời gian đó, em được các giáo viên ở trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu và các chuyên gia của Phân viện Puskin hỗ trợ. Tuy nhiên, vì đây một cuộc thi về ngoại ngữ nên phạm vi rất rộng, ngoài học nói, học cách phát âm, học viết, em còn phải tìm hiểu rất nhiều các vấn đề về văn hóa, đất nước, văn học nước Nga...
Em ấn tượng với bài tập viết của đề thi với tựa đề "Đồng hồ": Có một người bạn, nhà bạn ấy có chiếc đồng hồ bị hỏng. Khi sửa để kim đồng hồ chạy lại đúng giờ thì kim đồng hồ cứ quay ngược lại và có một vị thần xuất hiện. Vị thần hỏi muốn thay đổi gì trong quá khứ, yêu cầu các thí sinh viết tiếp câu chuyện và đoán xem người bạn nhỏ sẽ mong ước gì?
Thực tế, khi mới đọc đề này, Thục Nhiên không hiểu mình sẽ viết tiếp được gì. Suy nghĩ kỹ cuối cùng em đã viết về trận bão Yagi mới xảy ra tại Việt Nam với nhiều mất mát về con người, tài sản và nhà cửa. Em đã ước cơn bão này sẽ không xảy ra và cũng sẽ không có thiên tai, lũ lụt.
Còn ở bài thi nói kể về một sự kiện đáng nhớ quan trọng nhất của bạn, Thục Nhiên đã nói rằng, đó chính là chuyến sang Nga tham gia kỳ thi này. Nhờ đó, em đã thực sự được “chạm” vào nước Nga, gắn kết lại với nhiều người bạn trên thế giới vì tình yêu tiếng Nga, nước Nga. “Chuyến đi cũng cho em được gặp những người Việt ở Nga, những du học sinh và ở đâu đoàn công tác cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên với em”, Thục Nhiên chia sẻ.
Khi được hỏi về ấn tượng với những bạn trẻ quốc tế, Thục Nhiên cho rằng điểm khác biệt lớn nhất của giới trẻ Việt Nam và giới trẻ thế giới là tính chủ động nắm bắt cơ hội và học hỏi.
Thục Nhiên bày tỏ, các bạn trẻ quốc tế rất năng động và chủ động hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, xây dựng con đường sự nghiệp. Họ đã được rèn luyện tính độc lập, không ỷ lại. Họ tự tham gia các chương trình dã ngoại, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống một cách có ý thức và độc lập và luôn phấn đấu, vươn lên trong công việc, tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ.
“Tuy nhiên, em thấy Việt Nam đang là nước có tốc độ phát triển khá nhanh và giới trẻ Việt Nam cũng vậy. Các bạn đã và đang chủ động học hỏi và tìm kiếm cơ hội cho bản thân và nỗ lực rất nhiều. Em mong muốn bản thân cũng có thể góp phần mang tiếng nói của người trẻ Việt đến với thế giới", Thục Nhiên cho biết.
Từ thực tế của bản thân, Thục Nhiên cho rằng, học sinh ngày nay, ngoài học tốt cần phải có nhiều kỹ năng mềm khác và nên tham gia một số hoạt động ngoại khóa để mình biết thêm về cuộc sống. Việc học cần phải đi đôi với thực hành. Việc được tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp chúng ta biết nhiều điều bổ ích, quan trọng không kém gì trong sách vở. Hành trang tương lai chính là kiến thức và những trải nghiệm mà học sinh đã có. Bên cạnh đó, cần có sự ham học hỏi, cầu tiến để bản thân ngày càng tiến bộ.
Chia sẻ về dự định của bản thân trong tương lai, Thục Nhiên cho biết em cố gắng hoàn thành tốt việc học tập, trau dồi kiến thức hằng ngày để trở thành giáo viên tiếng Nga.
“Em rất yêu tiếng Nga, yêu văn hóa, văn học Nga và sau này muốn truyền lại tình yêu ấy cho học trò. Cùng với đó em cũng mong muốn lan tỏa văn hóa, phong tục về đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè Nga”, Thục Nhiên hy vọng.
Nói về cô trò nhỏ của mình, cô giáo Hồ Hải Ngọc, Chủ nhiệm đội tuyển tiếng Nga, Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu cho biết: “Ít có học sinh nào yêu, thích tiếng Nga như Thục Nhiên. Tiếng Nga như là liều thuốc tinh thần của em vậy. Với Thục Nhiên, tôi nghĩ điều giúp em đạt kết quả cao ở các kỳ thi bởi em có tố chất và năng khiếu học tiếng Nga, em có lợi thế về cách phát âm, tư duy ngôn ngữ tốt, đặc biệt là sự nỗ lực của em. Từ một học sinh rụt rè, Thục Nhiên đã không ngừng cố gắng, mạnh dạn tự tin để thể hiện mình”./.
- Từ khóa:
- Nữ sinh
- ước mơ
- kết nối
- nhịp cầu văn hóa
- Việt Nam - Nga