Thời sự

Nửa thế kỷ nhìn lại Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức

Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà còn tác động trực tiếp, sâu sắc đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

Các đại biểu dự Hội thảo.
Ảnh: Hiền Hạnh - TTXVN 

Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức (1974 - 2024), sáng 16/7, tại Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức - Nửa thế kỷ nhìn lại".

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết, cách đây nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5, Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 Quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay mở Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức.

Phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, trí tuệ và bản lĩnh của đội quân cách mạng, trải qua gần 40 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, các lực lượng tham gia chiến dịch đã anh dũng chiến đấu, sáng tạo trong thực hành chiến dịch, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra, đập tan khu vực phòng thủ quan trọng của địch, tạo thêm thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Hiền Hạnh - TTXVN 

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức đã góp phần khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu và Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5; đồng thời, phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà còn tác động trực tiếp, sâu sắc đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta; là một cơ sở thực tiễn rất quan trọng để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về: đánh giá, dự báo đúng tình hình; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.

Đề dẫn Hội thảo, Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định, 50 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở các nguồn tài liệu có độ tin cậy, với tinh thần khách quan, khoa học, Đại tá Lê Thanh Bài đề nghị các đại biểu tập trung luận giải, làm sâu sắc hơn một số vấn đề, trong đó nổi bật là phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và địa bàn; quá trình chuẩn bị và thực hành Chiến dịch, trong đó nhấn mạnh về công tác tổ chức, bố trí, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; vai trò của bộ đội chủ lực và các lực lượng trên địa bàn Chiến dịch.

Cùng với đó, các tham luận cần làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức, sử dụng lực lượng, lựa chọn khu vực tác chiến, cách đánh và tác chiến hiệp đồng binh chủng; tiếp tục khẳng định, nêu bật tầm quan trọng của Chiến thắng; đúc rút kinh nghiệm, bài học có giá trị lý luận, thực tiễn, phát huy tinh thần Chiến thắng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Kiên, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực III, Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức là minh chứng sống động cho vai trò quan trọng và dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu 5, nhất là việc đánh giá đúng đặc điểm tình hình, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, hạ quyết tâm "quyết chiến điểm" nhằm tạo đột phá chiến lược. Bên cạnh đó là quyết định lựa chọn hướng tấn công trọng điểm hiểm, sắc, chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, khi chọn Nông Sơn làm trận mở đầu then chốt.

Mặc dù thế bố trí, phòng ngự của địch chặt chẽ, lực lượng tập trung đông, có xe tăng yểm trợ, song với quyết tâm đánh bại bình định lấn chiếm, giành dân, giữ dân, mở quyền làm chủ, giữ vững và phát triển thực lực cách mạng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng cấp ủy hai tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng chủ trương dùng bộ đội địa phương và du kích vận dụng cách tác chiến thọc sâu vào vùng địch, diệt chốt, đánh mìn, phục kích, chống càn, bao vây, bắn tỉa. Đối với bộ đội chủ lực, tiêu diệt một số vị trí của địch, mở rộng hành lang, tạo thế liên hoàn với vùng giải phóng.

Là nhân chứng lịch sử trong Chiến dịch, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) - người trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi và cùng các lực lượng tổ chức đánh địch phản kích giữ vững Thượng Đức đánh giá: Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức không chỉ mở ra "cánh cửa thép" bảo vệ phía Tây Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa về mặt chiến lược; tạo thế, tạo lực cho những chiến dịch có ý nghĩa quan trọng tiếp theo. Chiến thắng này đã tạo sự đối sánh giữa lực lượng chủ lực cơ động của ta và chủ lực cơ động chiến lược của quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần quan trọng trên chiến trường miền Nam. Thắng lợi còn là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh có những nhận định mới, đề ra những quyết sách mới nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm