Xã hội

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Đi cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc, Phật giáo đã phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc.



Chúng tôi đến chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vào một ngày giữa đông tháng 12/2024. Khác với không khí tĩnh mịch thường thấy nơi thiền tự, phía đằng sau Tam Bảo và nhà Mẫu có tiếng trẻ ê a, bi bô, có tiếng cười rộn ràng trong trẻo, có tiếng khóc hờn dỗi. Nơi đó có ngôi trường Mầm non Búp sen hồng dành cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Mặc dù chùa vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhiều hạng mục công trình còn ngổn ngang, nhưng một tòa nhà 3 tầng khang trang đã được dựng lên là nơi ăn ở, học tập của hàng chục trẻ em với đầy đủ tiện nghi. Bà Thuận, mẹ Thu, mẹ Cúc… đang dọn dẹp và chuẩn bị cơm trưa cho các con.

16 đứa trẻ được chăm sóc nơi đây, đứa lớn nhất 5 tuổi, nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi, hầu hết là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không người nuôi dưỡng. Mỗi mảnh đời là một câu chuyện đau lòng.

Thấy khách đến, lũ trẻ xúm xít chạy lại ôm chặt lấy, túm tay, túm chân đòi bế, đòi chụp ảnh, xem điện thoại. Bé nào cũng xinh xắn, đáng yêu. Như bà Thuận, mẹ Thu nói, bọn trẻ rất ngoan ngoãn, biết nghe lời, hiểu chuyện. Mới 3-5 tuổi đã có tính tự lập, biết tự xúc cơm ăn, biết chuẩn bị giường, chăn, gối khi ngủ và gấp, cất gọn khi dậy.

Bà Nguyễn Thị Thuận (63 tuổi) vốn là hiệu trưởng một trường mầm non đã nghỉ hưu ở xã bên. Năm 2023, khi biết sư cô Đàm Ngoan mở trường Mầm non Búp sen hồng, bà đã về đây giúp xây dựng báo cáo, lên kế hoạch mở trường, xây dựng tài liệu học tập, quản lý giáo viên, dạy dỗ và chăm sóc trẻ em.

Thường ngày bà ở lại chăm trẻ đến tối về nhà, nhưng mấy hôm nay một bé 20 tháng tuổi mắc bệnh tan máu bẩm sinh đang nằm viện, phải cắt cử người thường xuyên chăm nom nên bà Thuận ở lại chùa để tối chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu.

Chưa lập gia đình, chưa từng làm mẹ nhưng Thu (40 tuổi, ở thành phố Thanh Hóa) đã là mẹ của biết bao đứa trẻ lớn lên ở chùa Hồi Long. Thu kể, em hay theo mẹ đến chùa. Thế rồi 5 năm trước được gặp sư cô Đàm Ngoan, biết nhà chùa có cưu mang trẻ em, Hoàng Thị Thu thường xuyên lui tới giúp thầy chăm sóc các bé. Ba năm nay, em về ở tại chùa để có điều kiện gần gũi, chăm các bé tốt hơn và cũng là 3 cái Tết em không về nhà vì "ngày Tết mọi người đều về nhà, không có người chăm sóc các bé".

Chuyên nhận nhiệm vụ chăm sóc các trẻ nhỏ tuổi, thậm chí vừa mới được sinh ra, cứ đứa trẻ này lớn lên lại đứa trẻ khác đến với Thu như một cái duyên. Một tối tháng 10/2024, sau khi đưa một bé đi khám bệnh về, Thu thấy có chiếc làn đỏ để ngay cổng chùa, trong đó có một bé gái. Bé Minh Ngọc, hay còn gọi là bé Thóc, bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng, còn chưa cắt cuống rốn.

Vừa chăm sóc cứng cáp cho bé Gạo (Minh Châu) – em bé bị bỏ rơi ở sân chùa giữa trưa rằm tháng 6/2024 nắng như thiêu như đốt, khi chừng 7 - 8 tháng tuổi, Thu lại làm mẹ của bé Thóc.

Chăm sóc trẻ sơ sinh không hề đơn giản, thiếu sữa mẹ, không được chăm đúng cách lúc đầu đời, nhiều trẻ sức đề kháng kém. Lúc trẻ khỏe, vui đùa không sao, lúc ốm là các mẹ phải trắng đêm thức cùng trẻ, chăm bẵm ăn uống, thuốc thang, dỗ dành... Mấy hôm trời rét, bé Thóc bị viêm tai giữa, việc chăm bé phải luôn tay, luôn chân.

Em kể, trong phòng có 5 trẻ ở cùng. Biết có em bé, chúng rất ý thức, tối đến hỏi chuyện, chơi với em, đến giờ ngủ là ngủ theo em, không nô đùa, quậy phá. Có bé được Thu chăm từ lúc 3 tháng tuổi đến lúc 3 tuổi, nhiều đêm bé tỉnh giấc, thấy em Thóc thức, bé lại dậy chơi với em, giúp mẹ Thu pha sữa.

Bé Thóc mới được hơn 2 tháng tuổi, đang cần có mẹ chăm sóc, vậy là năm nay nữa là năm thứ 4, Thu đón Tết ở chùa cùng các con.

Những trẻ mồ côi, bị bỏ rơi được nuôi dưỡng và lớn lên ở chùa Hồi Long.
Ảnh: Hồi Long

Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long được thành lập vào cuối năm 2018, trở thành nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Tại đây đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 40 trẻ em có hoàn cảnh éo le. Ngoài 2 nhóm nhà trẻ và mẫu giáo với 16 trẻ, còn có các em đang học các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Nói về cơ duyên thành lập Trung tâm từ thiện xã hội, sư cô Đàm Ngoan cho biết, trong một lần tới bệnh viện thăm người ốm, biết có trẻ bị bỏ rơi, sư cô đã quyết định nhận bé về nuôi. Lúc mới nhận bé về, cả chùa cùng lo, vì lần đầu tiên chùa nuôi trẻ sơ sinh. Bé Bình An, tên gọi thân mật là bé Sâu, lúc mới sinh ra chỉ nặng 1,4 kg. Bé Sâu bị thiếu máu, mấy năm đầu phải đi viện liên tục, việc nuôi bé hết sức vất vả.

Thường đến các trường mầm non để chơi với trẻ và nhận ra rằng có rất nhiều trẻ mồ côi, sư cô Đàm Ngoan đã nhận hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ mồ côi suốt 15 năm qua. Nhiều em nay đã trưởng thành, đi làm và lập gia đình. Từ khi thành lập Trung tâm từ thiện xã hội, chùa Hồi Long có điều kiện chăm sóc các em tốt hơn.

Cảm nhận về tấm lòng của một nhà tu hành, của "sư phụ Đàm Ngoan", các con Lê Thanh (sinh viên Đại học Vinh), Hải Yến, Huy Hoàng (học sinh đang được nuôi tại chùa)… hay chị Trần Thị Cúc, một người được nhà chùa cưu mang hỗ trợ học tập nay đã lập gia đình và ở lại giúp việc cho chùa, đều tỏ lòng biết ơn sư cô và các mẹ trong chùa chăm sóc như người thân.

"Thầy là người có tấm lòng cao cả, tất cả những gì tốt đẹp nhất thầy đều dành cho các con, đi đâu cũng nghĩ về các con, thậm chí về lúc đêm khuya cũng lên thăm các con xong mới yên tâm đi nghỉ", chị Trần Thị Cúc nói.

Cũng như chùa Hồi Long, nhiều ngôi chùa khác như Minh Ngộ (Gia Lâm, Hà Nội), Linh Ứng (Sóc Sơn, Hà Nội), Thiên Hương (Mỹ Hào, Hưng Yên), Yên Ninh (còn gọi là Ðông Trang Tự, huyện Hoa Lư, Ninh Bình)… cũng là nơi nương tựa của nhiều mảnh đời bất hạnh, côi cút.

Tuy không sinh ra các em, nhưng các thầy như người cha, người mẹ thứ hai gieo hạt giống tâm hồn, nuôi dưỡng các em khôn lớn, trưởng thành. Mái chùa là nơi khai mở tâm trí, giúp trẻ tự tin vững bước vào đời. Để có nguồn kinh phí nuôi dưỡng các em, ngoài sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhiều chùa còn tăng gia sản xuất như trồng dược liệu, làm hương, hóa mỹ phẩm…

Chị Trần Thị Cúc, người được nhà chùa cưu mang hỗ trợ học tập nay đã lập gia đình và ở lại giúp việc cho chùa.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Không chỉ chăm sóc trẻ em lang thang, cơ nhỡ, nhiều ngôi chùa như chùa Đồng (Tứ Kỳ, Hải Dương), chùa Lâm Quang (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh)… đã trở thành mái ấm cho hàng chục cụ già cô đơn, không nơi nương tựa, mang tới sự bình yên, an lạc đậm sâu tình người. Bên cạnh lo nơi ăn, chốn ở cho các cụ, nhà chùa còn chăm sóc sức khỏe, lo hậu sự khi các cụ khuất núi.

Một cư sỹ từng nói với tôi rằng, đến bố mẹ mình mà mình còn không phục vụ được như thế, vậy mà các thầy chăm sóc chu đáo được hết, đủ để hiểu rằng lòng vị tha, nhân ái, đức hy sinh của các chư tăng, ni lớn đến chừng nào.

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc bắt đầu từ những điều giản dị như thế. Truyền thống nhân văn, tinh thần hộ quốc an dân, từ bi cứu khổ luôn thấm đẫm trong mỗi người con Phật.

Có lẽ không thể kể hết những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với công tác từ thiện xã hội, nhưng có thể gói lại trong các con số biết nói: năm 2023, tổng số tiền cho hoạt động này là trên 2.100 tỷ đồng. Năm 2024, hiện chưa có con số cụ thể, nhưng cũng là cả nghìn tỷ đồng, bởi chỉ với Phân ban ni giới Thành phố Hồ Chí Minh trong tổng kết mới đây đã cho thấy số tiền là 139 tỷ đồng.

"Phật pháp bất ly thế gian giác", đó cũng là điều hiển nhiên của một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử, một tôn giáo nhập thế, nhân văn, nhân bản, luôn hướng con người đến cái đẹp và lòng từ bi.


Dịch COVID-19 tàn khốc đã đi qua hơn 2 năm, nhưng nhiều người vẫn chưa thể quên những tháng ngày đau thương ấy. Nếu như qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, có nhiều tăng, ni đã "Cởi áo cà sa khoác chiến bào", nhiều ngôi chùa nuôi giấu cán bộ cách mạng, thì trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, một lần nữa, khí thế ấy lại được tái hiện với hình ảnh các tăng, ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse trắng tình nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch, phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung ở các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly cho bệnh nhân mắc COVID-19, là nơi ăn nghỉ của các tình nguyện viên, đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch…

Sáng 15/3/2021, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, trao bảng tượng trưng 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, hình ảnh tăng, ni, Phật tử trong màu áo blouse nơi tuyến đầu chống dịch là minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc.

Có thể thấy, tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiển hiện rõ nét không chỉ trong công tác từ thiện xã hội mà còn trên nhiều phương diện khác như chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà sư là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã tham gia có trách nhiệm vào các dự án luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân.

Nhận thức chùa là cơ sở, là kho tàng di sản văn hóa vô giá của dân tộc, mang đến giá trị nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước rất sâu sắc và cũng là môi trường rèn luyện đạo đức cá nhân, các vị trụ trì cùng tăng, ni, Phật tử đã nỗ lực trùng tu, xây dựng chùa cảnh tinh tiến, nhiều cơ sở thờ tự đạt tiêu chuẩn thờ tự văn minh.

Những ngôi chùa sừng sững trấn ải nơi biên cương Tổ quốc như Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Trúc Lâm Tà Lùng (Cao Bằng), hay chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây (Khánh Hòa) như những cột mốc chủ quyền tâm linh, không chỉ là nơi vỗ về tinh thần cho mỗi con dân đất Việt mà còn mang đến một cảm giác yên tâm, tin tưởng khi những tấc đất, sải biển vẫn được gìn giữ vẹn toàn.


Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, những nội dung mang tính chất nhân văn, nhân bản, từ bi, bác ái, cứu khổ, độ sinh, việc răn dạy người Phật tử báo đáp tứ trọng ân… trong giáo lý Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành những chuẩn mực ứng xử, thể hiện giá trị đạo đức của xã hội. 

"Với giáo lý đề cao sự bình đẳng, tôn trọng và yêu thương con người cùng tinh thần lục hòa cộng trụ trong hoạt động giáo hội, tăng, ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng nguyện, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân cả nước trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cầu nối, là nơi hướng về của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, chung tay xây dựng quê hương, đất nước", ông Vũ Chiến Thắng nói.

Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu các chức sắc, lãnh đạo 16 tổ chức tôn giáo diễn ra vào tháng 6/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm khi đó đã nhấn mạnh, các tôn giáo ở Việt Nam đã góp phần lưu giữ, bồi đắp những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực và sâu rộng trong đời sống xã hội. Giá trị đạo đức tốt đẹp, tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo đã được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc.

Chùa Ba Vàng tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí.
Ảnh: TTXVN phát

Thế nhưng, ở đâu đó, vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh", đi ngược với truyền thống Phật giáo, ngược với lời dạy của đức Phật, có những sự việc làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, uy tín của Giáo hội, làm méo mó hình ảnh của những nhà sư vốn được xã hội kính trọng gọi là "thầy".

Một trong những hiện tượng làm dậy sóng dư luận xã hội mới đây là trường hợp của Thượng tọa Thích Chân Quang (ông Vương Tấn Việt), trụ trì chùa Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ những thuyết giảng gây hoang mang trong xã hội như "ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm", "ai đang trồng và bán cà phê là sẽ mang nghiệp rất nặng", cổ súy cho việc giải hạn, cầu tài lộc bằng cách cúng dường…, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, cộng đồng Phật tử đã phanh phui ra việc Thượng tọa này sử dụng bằng cấp 3 giả để rồi sau đó được cấp 2 bằng đại học, 1 bằng tiến sĩ.


Thượng tọa Thích Chân Quang đã bị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm. Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang dư luận, không đưa các bài giảng của Thượng tọa này lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa nhập thất sám hối. Trường Đại học Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội cũng tiến hành các thủ tục thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.

Hay như đại đức Thích Nhuận Đức (Tổ đình Hộ Pháp, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) do những phát ngôn khiếm nhã về người Khmer, thuyết giảng sai tôn chỉ, giáo lý, giáo luật Phật giáo, đã bị nghiêm cấm thuyết giảng trong mọi hình thức.

Tổ chức chiêm bái và truyền thông về "Xá lợi tóc Đức Phật" tạo ra nhiều thông tin trái chiều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của Phật giáo, cùng nhiều vi phạm khác, đầu năm 2024, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã phải chịu kỷ luật cảnh cáo. Chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế trong một năm.

Chiều 14/4/2022, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Cung (sinh năm 1982, cựu trụ trì chùa Phước Quang, kiêm Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Suối nguồn tình thương, thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) mức án tù chung thân. 
Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Thậm chí, có những nhà sư đã vướng vòng lao lý như Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang, Giám đốc Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương Vĩnh Long đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long kỷ luật cho hoàn tục vì liên quan thông tin tố cáo lừa đảo số tiền lớn và sau đó bị lĩnh án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"… Thượng tọa Thích Đồng Huệ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau 2 ngày nhận quyết định hoàn tục đã bị bắt trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh.

Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022 – 2027) đưa ra chủ đề: "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển", đặt vấn đề nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của tăng, ni, Phật tử là trên hết, trước hết. Văn kiện Đại hội đã chỉ ra rằng, một vài tăng, ni đã vi phạm giới luật, thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt đời sống làm ảnh hưởng đến đạo và hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Con số ấy mặc dù không nhiều so với tỷ lệ khoảng 55.000 tăng, ni trong toàn Giáo hội hiện nay, nhưng sức ảnh hưởng của các nhà tu hành là rất lớn đối với hàng chục triệu Phật tử trong và ngoài nước, nên mỗi một thành viên tăng đoàn thiếu chính niệm là đã để lại cái nhìn không đúng đắn về người xuất gia và uy tín của Giáo hội.

Thời gian qua, sự việc một số nhà sư có những thuyết giảng trái đời, ngược đạo, gây hoang mang, bức xúc dư luận, phá hoại đức tin, đã làm tổn hại tới thanh danh Phật giáo, tạo cơ hội cho những phần tử thù địch lợi dụng để đưa ra những đánh giá phiến diện, sai lệch về bức tranh tự do tôn giáo ở Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Từ những phát ngôn thiếu chuẩn mực, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của một số nhà sư, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) hay một số hãng truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, VOA, BBC đã cố tình xuyên tạc, đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, "bôi đen" thành tựu về bảo đảm tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Chúng sử dụng thủ đoạn đánh tráo khái niệm, gán sự kiện, vụ việc vi phạm hành chính, dân sự, không liên quan đến niềm tin tôn giáo quy chụp thành mâu thuẫn, xung đột tôn giáo, đàn áp tôn giáo, để rồi thúc ép Quốc hội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), "cần theo dõi về tự do tôn giáo" (SWL).

Ai cũng hiểu rằng đó là chiêu bài của chúng hòng gây nên những bất ổn về chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm chia rẽ, suy yếu đất nước ta, tiến tới cuộc "cách mạng màu", bạo loạn, lật đổ.


Trong kiến nghị gửi tới Bộ Nội vụ trước Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, "gần đây trên không gian mạng xuất hiện nhiều vị tu sĩ thuyết pháp mang tính mê tín dị đoan, chê bai nghề nghiệp của người dân và đi ngược giáo lý nhà Phật, gây phản cảm, bức xúc trong cộng đồng dân cư. Việc này diễn ra thường xuyên, kéo dài nhưng chưa có thông tin cơ quan nào làm việc, nhắc nhở hay xử lý. Từ đó gây tâm lý hoang mang trong người dân và có thể xảy ra xung đột giữa các tôn giáo và các tín đồ". Cử tri đề nghị cần có giải pháp quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp trên.

Thực tế, các quy tắc thuyết giảng đã được Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành tại Quyết định số 09/QĐ-BHP. Trong đó nhấn mạnh, "tăng, ni giảng sư phải thuyết giảng đúng với tinh thần chính pháp, đảm bảo uy nghi và ngôn ngữ người xuất gia, không tuyên truyền cổ xúy mê tín dị đoan, tôn trọng phong tục, tập quán tín ngưỡng, vùng miền, tránh gây mất đoàn kết trong cộng đồng xã hội".

Tăng, ni giảng sư phải giảng phù hợp với chủ trương của Giáo hội về công tác truyền thông hoằng pháp; giảng sư không được phê phán pháp môn khác, không tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam, không xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nội dung thuyết giảng không được thông tin sai sự thật gây hoang mang trong quần chúng…


Để Phật giáo thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần, việc chấn chỉnh những sai lệch trong đời sống tu hành là vô cùng cần thiết. Nói như Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, "với tăng ni, mục đích duy nhất là tu và học; luôn đặt mình, sống trong chính pháp, trong đạo đức, góp phần làm thanh tịnh tăng đoàn, có như thế tổ chức Giáo hội mới trang nghiêm, để lại hình ảnh đẹp trong lòng Phật tử và đối với quần chúng".

Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng từng huấn thị các chư tăng thuộc Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi lễ vào tháng 11/2024 rằng, với người tu hành và hành đạo thì không sợ ác ma bên ngoài phá hoại, "mà điều đáng sợ là mỗi tăng, ni, Phật tử giải đãi, biếng nhác, không lo học tập Phật pháp, không chịu thực hành lời Phật dạy, không ý thức giữ gìn giới luật". Không có gì quan trọng và tốt đẹp hơn tinh thần tu học để giữ vững chánh kiến, qua đó nhận thức đúng về mọi việc theo lời Phật dạy. "Có chánh kiến thì sẽ không lo lắng trước các hiện tượng trong đời sống xã hội".

Sáu năm qua, hàng năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức Tuần huân tu tập trung cho các chư tôn đức tăng, ni. Trong khuôn khổ Tuần huân tu và Khóa bồi dưỡng trụ trì năm nay kéo dài 10 ngày (đầu tháng 12/2024), các tăng, ni đã được tu bồi về giới luật, nghi lễ, sinh hoạt giáo hội, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hành đạo, cập nhật các quy định mới về pháp luật liên quan tới tôn giáo…

"Muốn nâng cao hiệu quả và chất lượng phụng sự đạo pháp, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều biến động tiêu cực và cơ hội thách thức như hiện nay, bản thân mỗi người con Phật phải tỉnh thức và chính niệm, nghiêm trì giới luật, công phu tu tập để đạt được trí tuệ giải thoát, có như vậy mới không mắc vào vòng lợi danh trong quá trình đồng hành cống hiến cho dân tộc và nhân loại", theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, tăng, ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một tỳ kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của đạo Phật trong thời đại ngày nay - thông điệp ấy đã được Ban thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập./.


Bài: Chu Thanh Vân | Thiết kế: Thái Bình

Tin liên quan

Xem thêm