Hưng Yên tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở trung tâm y tế huyện để giảm tải tỷ lệ bệnh nhân vượt tuyến.
TTXVN - "Hưng Yên đã quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm đúng quy định, tỉnh cần phát huy hiệu quả các nguồn lực y tế để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân". Đây là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trong buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng", diễn ra chiều 22/2.
Không để xảy ra sai phạm trong phòng, chống dịch COVID-19
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả. Đáng chú ý, trên địa bàn không xảy ra sai phạm trong mua sắm vật tư thiết bị phòng, chống dịch COVID-19, không có cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hưng Yên Nguyễn Đức Tải, tỉnh đã huy động kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền hơn 580 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương cấp hơn 51 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương bố trí hơn 530 tỷ đồng. Tỉnh cũng huy động nguồn lực và tiếp nhận từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hơn 230 tỷ đồng.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí phòng, chống dịch của các đơn vị thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách và theo đúng quy định. Thanh tra tỉnh tiến hành 2 cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Sở Y tế và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Tại Sở Y tế, quy trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đảm bảo theo quy định. Qua thanh tra chưa phát hiện vi phạm về kinh tế trong quá trình triển khai, thực hiện mua sắm; không có khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực này. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, việc tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng mua bán 4 gói thầu mua sắm các vật tư sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 được thực hiện cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Chủ đầu tư đã tổ chức lựa chọn được nhà thầu cho các gói thầu theo kế hoạch phê duyệt lựa chọn. Qua thanh tra chưa phát hiện được hành vi gian lận trong hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu.
Đảm bảo kịp thời các chính sách an sinh xã hội
Theo Bảo hiểm Xã hội Hưng Yên, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được triển khai kịp thời. Đã hỗ trợ gần 215 nghìn người đang làm việc và đã nghỉ việc với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương ở 18 đơn vị với hơn 1.300 lao động, xác nhận danh sách lao động ngừng việc là 4 đơn vị với tổng số gần 400 lao động. Giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của 490 đơn vị chuyển đến với hơn 22.000 lao động.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách - Xã hội chi nhánh Hưng Yên thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động với lãi suất 0%, doanh số cho vay lũy kế đạt hơn 13,5 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Ngân hàng Chính sách - Xã hội chi nhánh Hưng Yên đã cho vay 47,7 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 37,7 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến 2,3 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 7,7 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoan 2020-2022, để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh đại dịch cho các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh, Cục thuế tỉnh Hưng Yên đã gia hạn cho người nộp thuế số tiền hơn 7.700 tỷ đồng; giảm tiền thuế, tiền thuê đất cho người nộp thuế số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.
Chăm lo hệ thống y tế cơ sở, nhân rộng mô hình tốt, sáng kiến hay
Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên Nguyễn Thị Anh cho biết, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh Hưng Yên hiện có 10 Trung tâm y tế huyện thực hiện đa chức năng (dự phòng và khám, chữa bệnh); 155 trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và 832 y tế thôn hiện đang hoạt động hiệu quả. Sau khi được tổ chức, sắp xếp lại, các Trung tâm y tế đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng cao, người bệnh ngày càng được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên các bệnh viện tuyến trên giảm hàng năm.
Công tác nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh của y tế dự phòng cũng được quan tâm, chú trọng nhằm phát hiện sớm, tổ chức ngăn chặn các dịch bệnh và dập dịch kịp thời. Tuy nhiên, y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, chưa có chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế cấp cơ sở, chưa thực sự phát huy sức mạnh của y tế tư nhân.
Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Hưng Yên, trong đó có sự đóng góp lớn của y tế cơ sở, y tế dự phòng, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh tiếp tục làm rõ hơn việc xác định giá trị trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 do tổ chức, cá nhân đóng góp; việc xác lập quyền sở hữu đối với những trang thiết bị này hiện như thế nào. Trong bối cảnh tình hình mới, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cần tiếp tục chủ động các phương án dự phòng về vaccine, thuốc, vật tư y tế để phòng, chống dịch...
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên và các địa phương làm rõ công tác quản lý, chăm sóc người bệnh bằng bệnh án điện tử; ngân sách chi cho y tế dự phòng trên tổng ngân sách chi cho y tế trên địa bàn; vai trò của trạm y tế xã trong công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở cơ sở.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh đã ban hành 3 quyết định về phòng, chống dịch, kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua thanh tra, kiểm toán cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 đã bảo đảm theo đúng quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị tỉnh tiếp tục làm rõ, nổi bật hơn nữa kết quả phòng, chống dịch COVID-19; bổ sung báo cáo các khoản chi từ nguồn huy động xã hội hóa; quy trình xử lý tài sản tặng, cho, phục vụ công tác phòng, chống dịch; nêu rõ thêm những sáng kiến, kinh nghiệm tốt, mô hình hay trong phòng, chống dịch.
Về lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, tỉnh cần đánh giá thêm việc sáp nhập một số trạm y tế vào trung tâm y tế cấp huyện, làm rõ vai trò của trạm y tế xã, phường đối với công tác khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở trung tâm y tế huyện để giảm tải tỷ lệ bệnh nhân vượt tuyến; quan tâm thêm về chi đầu tư cho các trạm y tế phục vụ tốt công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân./.
- Từ khóa:
- Hưng Yên
- quản lý
- sử dụng
- nguồn lực y tế
- sức khỏe