Sức khỏe

Bệnh nhân ung thư bàng quang không còn phải mang túi nước tiểu

TP. Hồ Chí Minh

Phẫu thuật cắt bàng quang và tạo hình bàng quang ruột bằng robot góp phần giảm mất máu, giảm thời gian nằm viện, giảm thời gian sử dụng kháng sinh.

Phẫu thuật tạo hình niệu đạo tại Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

TTXVN - Từ năm 1995 đến nay, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng hoàn thiện kỹ thuật chuyên sâu tạo hình bàng quang bằng ruột, sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới; đã có hơn 15.000 người bệnh được tạo bàng quang mới, giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư bàng quang. Thông tin được lãnh đạo Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ngày 20/2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, ung thư bàng quang là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Với những bệnh nhân ung thư bàng quang giai đoạn xâm lấn cơ thì phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc là phương pháp điều trị ưu tiên. Phẫu thuật này bao gồm cắt toàn bộ bàng quang kèm theo tuyến tiền liệt và túi tinh đối với nam giới hoặc cắt 2 phần phụ, tử cung và một phần âm đạo ở nữ giới. Với việc không còn bàng quang do phải cắt bỏ vì ung thư, bệnh nhân sẽ không còn cơ quan chứa nước tiểu, do đó nước tiểu sẽ được chuyển lưu ra ngoài da, có thể là mang ống thông niệu quản dẫn nước tiểu từ 2 thận hoặc chuyển lưu nước tiểu qua một đoạn ruột. Dù là cách nào thì bệnh nhân vẫn phải mang bên mình túi nước tiểu, gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Đứng trước thực tế đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân đã nỗ lực học tập, tìm tòi các giải pháp phẫu thuật để tạo hình một bàng quang mới thay thế bàng quang đã cắt bỏ do ung thư, giúp người bệnh có thể đi tiểu tự chủ, không phải mang túi nước tiểu. Năm 1995, Bệnh viện Bình Dân bắt đầu triển khai phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột với nhiều phương pháp tạo hình như phương pháp Camey I, II, phương pháp Studer, Hautmann, Padova... Với tinh thần cầu thị, luôn học tập và cải thiện kỹ thuật mổ, 28 năm qua, Bệnh viện đã tiếp nối, xây dựng được trên 20 ê-kíp phẫu thuật có thể tự tin thực hiện phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột với những ứng dụng công nghệ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới như phẫu thuật nội soi và phẫu thuật robot. Phẫu thuật cắt bàng quang và tạo hình bàng quang ruột bằng robot góp phần giảm mất máu, giảm thời gian nằm viện, giảm thời gian sử dụng kháng sinh.

Phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc và tạo hình bàng quang bằng ruột là phẫu thuật khó thuộc hàng đỉnh cao của chuyên ngành Tiết niệu, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật vừa tỉ mỉ chọn đoạn ruột phù hợp, vừa khâu tạo hình thành túi bàng quang và lập lại lưu thông với 2 niệu quản và niệu đạo. Sau khi tạo hình xong, ê-kíp bác sĩ phẫu thuật và điều dưỡng đồng hành cùng với người bệnh để chăm sóc, luyện tập sau mổ giúp "phần ruột được giao nhiệm vụ làm bàng quang" có thể làm tốt được chức năng chứa nước tiểu. Tính đến nay, các bác sĩ Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật thành công trên 1.500 trường hợp tạo hình bàng quang giúp người bệnh có thể thực hiện việc đi tiểu tự chủ với bàng quang mới. Cùng với đó, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân cũng đã thực hiện chuyển giao phẫu thuật cắt bàng quang và tạo hình bàng quang bằng ruột đến các bệnh viện khác trên cả nước qua chương trình chỉ đạo tuyến, các khóa huấn luyện phẫu thuật nội soi chuyên sâu… để ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận với kỹ thuật này./.

Đinh Hằng

Xem thêm