Trí thức kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
TTXVN - Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không thể tách rời với dân tộc, với đất nước và có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chú trọng khởi nghiệp, chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” đã xác định: “Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc....”. Chỉ thị số 45-NQ/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh công tác thu hút nguồn lực kiều bào trong đó có trí thức Việt ở nước ngoài.
*Thu hút trí thức Việt ở nước ngoài
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 đến 12% trong cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 500 - 600 nghìn người; trong đó, khoảng 50% tại Hoa Kỳ.
Trí thức người Việt ở Pháp ước tính có khoảng hơn 40.000 người, ở Australia gần 40.000 người, Canada hơn 30.000 người; tại Nga và Đông Âu có khoảng 10.000 người, số đông đã chuyển sang hoạt động kinh doanh, ít người còn làm nghề gắn với chuyên môn được đào tạo. Số lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại các nước Đông Nam Á và các nước đang phát triển ít hơn nhưng có xu hướng gia tăng.
Đánh giá phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, thời gian gần đây, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 500 lượt người/năm.
Trí thức kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đi vào những vấn đề “hot”, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như: Khoa học công nghệ, kinh tế xanh, môi trường, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Nhiều người tích cực kết nối, hợp tác với trí thức trong nước, hình thành nên những mạng lưới các nhà khoa học không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn là ở phạm vi quốc tế, sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam khi cần thiết.
Bên cạnh đó, nhiều kiều bào đã trực tiếp tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở trong nước. Các mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tên tuổi của trí thức kiều bào đã xuất hiện, ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của đất nước. Tiêu biểu như: Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn (Giáo sư Trần Thanh Vân - kiều bào Pháp); Viện khoa học và công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trương Nguyện Thành - kiều bào Hoa Kỳ); trường Doanh thương Trí Dũng (Tiến sỹ Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Nhật Bản)... Cùng với đó là nhiều chương trình, phong trào kết nối trí thức kiều bào, đặc biệt là lớp kiều bào trẻ nhằm đóng góp tối đa kiến thức khoa học công nghệ cho nước nhà. Điển hình như các chương trình: Viet Challenge, Sáng kiến Việt Nam, Hành trình Việt, Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam, Hội Ái Việt...
Tuy nhiên, theo ông Phạm Việt Hùng, bên cạnh các kết quả đạt được, còn tồn tại nhiều bất cập trong triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào. Theo đó, một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng. Nhiều chế đô ̣ưu đãi hiện nay không ̣còn phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nhiều hạn chế khác như: Thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài để các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung; khác biệt về thể chế, rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và các đồng nghiệp trong nước. Các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của chuyên gia, trí thức kiều bào chưa được cơ quan chức năng nghiên cứu một cách nghiêm túc, có hệ thống và thường không có trao đổi, phản hồi hoặc tiếp thu, sử dụng có hiệu quả….
Một số chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) có chung nhận định, nguyên nhân thu hút nhân tài kiều bào còn khó khăn là do phần lớn các chính sách ưu đãi chưa có sự đột phá nên không đủ hấp dẫn với các chuyên gia. Nhiều quy định chính sách còn chung chung, các cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản hướng dẫn nên khó áp dụng trong thực tế.
Hơn nữa, nhiều cơ quan, địa phương chưa chủ động xác định nhu cầu về chuyên gia, chương trình, dự án, lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ cần huy động sự tham gia của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài nên không thu hút được chuyên gia, hoặc thu hút không đúng đối tượng, sử dụng không hiệu quả.
Hạn chế về kinh phí cũng là một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện các chính sách ưu đãi theo quy định cũng như đầu tư cải thiện môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học để tạo sức hấp dẫn với các chuyên gia. Bên cạnh đó còn là hạn chế về môi trường hoạt động khoa học, cơ sở vật chất, hạ tầng nghiên cứu và triển khai, nguồn tài chính để thực hiện chính sách thu hút hạn hẹp; ngoại trừ một số ít doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực mạnh, nếu chỉ dựa vào nguồn lực trong nước để thu hút nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài là hết sức khó khăn.
*Cần chính sách đãi ngộ phù hợp
Để phát huy hơn nữa vai trò của các hội trí thức trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Theo đó, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, đề ra chính sách trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức và các tổ chức tập hợp trí thức, như: Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp... Chỉ khi đội ngũ trong nước được đặt đúng vị trí và vai trò trong hệ thống chính trị, được coi trọng và tạo môi trường thuận lợi, trí thức người Việt ở nước ngoài mới có thể thấy đó là cơ hội, là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mình và những đóng góp của họ sẽ được ghi nhận xứng đáng.
Đảng, Nhà nước cần đồng thời coi trọng hơn nữa công tác chủ động tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài đạt được nhiều thành tựu ở nước sở tại, qua đó động viên họ tích cực kết nối và hợp tác với các tổ chức trong nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước theo phương thức phù hợp. Thông qua họ, kết nối với cộng đồng khoa học và chính khách của nước sở tại, góp phần quan trọng trong xây dựng mối bang giao hữu nghị với bạn bè thế giới.
“Liên hiệp Hội Việt Nam, với mạng lưới hội thành viên trong hầu hết các ngành, lĩnh vực về khoa học và công nghệ hoạt động trên khắp cả nước, sẵn sàng là một trong những cơ quan triển khai nội dung này nếu được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ”, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng khẳng định.
Theo Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, để có những sản phẩm khoa học và công nghệ “Made in Việt Nam” mang lại việc làm và tăng GDP cho quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì vấn đề con người là quan trọng, nhất là đội ngũ nhân tài, trí thức khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Nhà nước cần mạnh dạn giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm và quyền lợi của các dự án khoa học và công nghệ, các nghiên cứu và cầu nối hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các nhà khoa học - trí thức kiều bào. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các nước trở về; có chính sách sử dụng những lao động có kỹ năng, tay nghề được tu nghiệp tại các nước phát triển.
Cùng với đó, các chính sách đãi ngộ đặc biệt cần tiếp tục được xây dựng, đối với chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật cao về nước tham gia các đề án, chương trình, dự án; quan tâm hơn nữa đến chế độ trả lương, nhà công vụ, các khoản phụ cấp và đãi ngộ khác. Đối với khu vực tư nhân có sử dụng chuyên gia, trí thức kiều bào có trình độ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên, Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp hoặc bằng những cơ chế ưu tiên, thuận lợi./.