Phát triển bền vững du lịch sinh thái - Bài cuối: Tăng kết nối, đổi mới quảng bá
Liên kết các địa phương trong phát triển du lịch tạo thêm tour tuyến mới, giúp giảm sự nhàm chán, đơn điệu của điểm đến cũ trong phạm vi nội vùng, nhờ đó kích thích và thu hút thêm nhiều du khách.
TTXVN - Trong giai đoạn phục hồi - phát triển du lịch, thị trường, yêu cầu của từng phân khúc du khách có nhiều thay đổi, song vẫn gặp nhau ở điểm chung là mong muốn trải nghiệm nhiều hơn, gắn bó nhiều hơn với thiên nhiên và nét văn hóa bản địa của từng điểm đến. Thực tế này đang mở ra cơ hội nhưng cũng đòi hỏi người làm du lịch có giải pháp phát triển, khai thác hiệu quả hơn các hoạt động du lịch sinh thái - loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, hệ sinh thái, đồng thời gắn bó với văn hóa bản địa, phù hợp xu hướng phát triển du lịch xanh, bền vững.
* Nhiều dư địa phát triển
Du lịch sinh thái tại các địa phương ở nước ta còn nhiều tiềm năng, dư địa để được khai thác, phát triển hiệu quả hơn là đánh giá chung của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp du lịch. Theo hai Phó Giáo sư Phạm Hồng Long và Ngô Việt Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đa dạng và phong phú, với tài nguyên địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, thủy văn và hệ động, thực vật đặc hữu. Việt Nam có khoảng 170 vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan, đồng thời được đánh giá đứng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật, một trong những trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Về địa hình, đồng bằng, đồi núi và cao nguyên, đường bờ biển kéo dài khoảng 3.200 km, tạo nên các hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái san hô, cỏ biển, hệ sinh thái nông nghiệp đặc thù. Đây chính thuận lợi lớn để chúng ta tiếp tục phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên cũng theo hai Phó Giáo sư Phạm Hồng Long và Ngô Việt Anh, việc khai thác các giá trị này còn chưa tương xứng với tiềm năng, sẽ tạo ra triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn thời gian sắp tới, tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng, hấp dẫn, độc đáo, mang tính cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm du lịch sinh thái của các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, xét về mặt chính sách, Quyết định “Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã ưu tiên và đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, chú trọng khám phá hang động, du lịch núi... Cùng với đó, hàng loạt chính sách trong thực hiện, sử dụng diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng trong phát triển bền vững, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên các vườn quốc gia trong sử dụng và khai thác giá trị tự nhiên trong phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững. Thời gian tới, nếu khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị tiềm năng về du lịch sinh thái, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ có những bước phát triển thành công mới.
* Tăng kết nối, nâng tầm giá trị
Đề cập giải pháp liên kết để phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch sinh thái, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan và Phó Giáo sư Nguyễn Thị Vân Hạnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đều cho rằng, liên kết giữa các địa phương, vùng sẽ đem lại nhiều lợi ích. Liên kết giữa các địa phương trong vùng sẽ tăng cường việc tận dụng và khai thác tiềm năng của mỗi địa phương, trên cơ sở đó, gia tăng nguồn lực, sức cạnh tranh cho ngành Du lịch từng địa phương và cả vùng. Các nguồn lực như nhân lực, cơ sở hạ tầng đặc biệt là đường sá, sân bay, bến tàu, bến xe có thể được chia sẻ giữa các địa phương. Trong khi nhu cầu của khách du lịch ngày một gia tăng với những đòi hỏi ngày một cao, liên kết các địa phương trong phát triển du lịch tạo thêm tour tuyến mới, giúp giảm sự nhàm chán, đơn điệu của điểm đến cũ trong phạm vi nội vùng, nhờ đó kích thích và thu hút thêm nhiều du khách.
Các Thạc sỹ Lưu Phước Vẹn và Trần Công Dũ (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, để phát triển du lịch sinh thái hiệu quả hơn tại Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những vùng trọng điểm du lịch của cả nước cần nhiều giải pháp đồng bộ để vừa gắn kết các điểm đến, vừa nâng chất sản phẩm như: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, không ngừng đổi mới các loại hình nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách, đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị và truyền thông về du lịch.
Ở khu vực Đông Nam Bộ, giải pháp đa dạng, nâng chất sản phẩm du lịch sinh thái trên cơ sở xác định đúng thế mạnh của từng địa phương đang được xem là một trong những giải pháp trọng tâm trong phát triển du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng thông tin, trên cơ sở thế mạnh từng địa phương, bên cạnh sản phẩm đã được định vị là du lịch biển, đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn khai thác với bảo tồn, giới thiệu cảnh quan, mô hình canh tác, những đặc sản cùng nét văn hóa đặc trưng. Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, khu Ramsa biển - đảo Vườn quốc gia Côn Đảo, sông, biển… là nguồn tài nguyên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, tỉnh định hướng tại thị xã Phú Mỹ tập trung phát triển điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, Hắc Dịch... tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Châu Ro. Huyện Côn Đảo tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa, thưởng thức ẩm thực, đặc sản nho rừng và sâm Côn Đảo, phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời khuyến khích cộng đồng cung cấp các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm, khám phá văn hóa bản địa. Huyện Xuyên Mộc phát triển du lịch cộng đồng gắn với các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch gắn với vườn cây ăn trái, chăn nuôi. Huyện Châu Đức phát triển sản phẩm du lịch gắn với hoạt động trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm từ mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.
Quan tâm giải pháp ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển số để quảng bá, kết nối phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch sinh thái, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đề xuất, khai thác nền tảng công nghệ số phục vụ phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trước tiên cần đẩy nhanh chuyển đổi số để triển khai các nền tảng công nghệ ứng dụng trên mobile (các thiết bị truy cập thông tin di động), ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng và hình thành các trợ lý ảo trong quảng bá, hỗ trợ, hướng dẫn du khách. Đơn vị chức năng xây dựng và hình thành hệ thống kết nối internet vạn vật phục vụ triển khai các nền tảng thực tế ảo mô phỏng địa điểm du lịch thông qua hình ảnh, video, yếu tố đa phương tiện như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc bản tường thuật, giới thiệu, văn bản… Điều này giúp du khách dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin trực quan, hiểu rõ hơn về địa điểm sắp tham quan và kích thích được cảm hứng cho chuyến du lịch của tất cả mọi người, không phân biệt phạm vi khoảng cách địa lý./.(Hết)