Các phim sử dụng ngân sách nhà nước như “Bà già đi bụi” không thể đưa ra rạp bán vé bởi “còn trống” về pháp lý trong khâu phổ biến, phát hành phim.
Bộ phim “Bà già đi bụi” vừa công chiếu ra mắt ngày 27/9 đã đón nhận được sự ủng hộ và đánh giá tốt của công chúng và các nhà chuyên môn. Đây là bộ phim đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu. Phim sẽ được trình chiếu miễn phí ở các liên hoan phim, các tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và gửi về các địa phương để chiếu miễn phí phục vụ nhân dân.
Thông tin trên được Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết tại họp báo quý III của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diễn ra chiều 3/10 tại Hà Nội.
Trả lời về việc “Bà già đi bụi” là bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu đầu tiên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: "Quá trình đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Bởi, trong điện ảnh, kịch bản và nhà sản xuất luôn phải đi liền với nhau. Không thể có chuyện lấy kịch bản của đơn vị nào đó ra đấu thầu và giao kịch bản cho một đơn vị khác thực hiện. Việc này chỉ khả thi khi chúng ta có ngân hàng kịch bản do nhà nước đầu tư, sở hữu".
Theo ông Vi Kiến Thành, Luật Điện ảnh quy định, những đề tài nội dung được đặt hàng sử dụng ngân sách Nhà nước gồm phim về đề tài về lịch sử, lãnh tụ cách mạng, miền núi dân tộc, thiếu nhi… còn những đề tài khác thì phải đấu thầu. Phim “Bà già đi bụi” là bộ phim về đề tài văn hóa gia đình, nên bắt buộc phải đấu thầu. Cục Điện ảnh đã rất khó khăn để có thể hoàn thiện các thủ tục đấu thầu theo quy định.
Nói về kế hoạch phát hành phim “Bà già đi bụi”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành khẳng định, phim sẽ như các phim sử dụng ngân sách nhà nước trước đó - chỉ đưa vào các tuần phim, liên hoan phim và gửi về địa phương chiếu miễn phí phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân... Việc công chiếu rộng rãi để có thu như “Đào, phở và piano” có lẽ sẽ không xảy ra với “Bà già đi bụi”.
Cục Trưởng Cục Điện ảnh nêu lý do, các phim sử dụng ngân sách nhà nước như “Bà già đi bụi” không thể đưa ra rạp bán vé bởi “còn trống” về pháp lý trong khâu phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách nhà nước. "Bởi lẽ, đến nay chúng ta chưa có quy định về chia tỷ lệ phần trăm cho phát hành phim do nhà nước đặt hàng, bao nhiêu phần trăm doanh thu chia sẻ cho rạp, bao nhiêu phần trăm cho đơn vị sản xuất khi đưa phim ra bán vé… Hiện nay, 100% doanh thu từ phim sử dụng ngân sách nhà nước phải nộp thuế và nộp vào ngân sách nhà nước", ông Vi Kiến Thành nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, ngân sách sản xuất một bộ phim được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Quyết định số 2484/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2021. Từ năm 2011-2022, ngân sách nhà nước cấp cho đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim trung bình là 65,6 tỷ đồng/năm, trong đó có 500 triệu đồng dành cho việc in các bản phim, tài liệu tuyên truyền phục vụ các tuần phim, ngày lễ lớn, làm phụ đề và in bản phim, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài. Khoản ngân sách này không dành cho việc quảng bá, phát hành tác phẩm.
Ông Vi Kiến Thành cho rằng, cần phải có quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phát hành, phổ biến phim do nhà nước đặt hàng.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục Điện ảnh không có chức năng phát hành phim. Cục đã đề xuất giao Trung tâm Chiếu phim quốc gia làm nhiệm vụ phát hành phim nhà nước đặt hàng, đồng thời đề xuất xây dựng nghị định về phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước, hy vọng sẽ được ban hành trong năm 2025, qua đó tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát hành phim./.
- Từ khóa:
- phim truyện
- điện ảnh
- văn hóa
- Nhà nước