Văn hóa

Truyền nhiệt huyết, đam mê dân ca ví, giặm trong giới trẻ

Với cái tâm của những người lặng thầm đi khơi lại “điểm nghẽn", dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ đang "sống lại" mà tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ.

Hiện nay có nhiều bạn trẻ tìm về với văn hóa di sản của cha ông, tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Họ cũng được truyền năng lượng, niềm đam mê nhiệt huyết và trách nhiệm cộng đồng của nhiều nghệ sĩ trẻ, nghệ nhân chung tay trong việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm.

* Truyền “lửa” đam mê

Liên tục 1 tháng nay, cứ vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, căn hộ nhỏ của anh Nguyễn Thành Ngân - cán bộ văn hóa huyện Hưng Nguyên lại vang lên các làn điệu dân ca ví, giặm thân thương của các em nhỏ. Lớp học của anh Thành Ngân có các học viên có từ 8 đến 40 tuổi, đến từ nhiều nơi trong tỉnh, có cả học sinh tận các huyện miền núi Tương Dương, Quế Phong. Họ theo học tất cả các làn điệu dân ca cổ cũng như dạy cách hát các ca khúc dân ca phát triển. Sau hơn 1 tháng đào tạo, nhiều học sinh của anh Ngân đã có những tiến bộ vượt bậc trong cảm thụ cũng như cách hát các làn điệu dân ca. Đặc biệt, trong lứa học sinh lần này, anh Ngân đã phát hiện được nhiều gương mặt triển vọng, tương lai sẽ có những đóng góp cho sân khấu nghệ thuật truyền thống của tỉnh.

Lớp học của anh Ngân luôn thu hút đông đảo bạn trẻ cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn dân ca ví, giặm. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Anh Ngân cho biết: “Khóa đào tạo này có 7 gương mặt trẻ vừa được tuyển chọn vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, hy vọng đây sẽ là những ca sĩ của sân khấu dân ca ví, giặm trong tương lai. Tôi mong dân ca ví, giặm - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại luôn trường tồn trong lòng các thế hệ. Các em đang hát bằng cả tâm hồn và hơi thở của chính các em nên tôi chỉ cần dạy những làn điệu, hướng dẫn cách hát làn điệu đó đúng tính cách nhân vật và nội dung tác phẩm. Tôi luôn muốn truyền lửa đam mê, tâm huyết của mình nhằm lan tỏa sâu rộng hơn những làn điệu dân ca, ví, giặm”.

Là một trong 7 gương mặt được tuyển chọn vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, học viên Nguyễn Trà My bộc bạch, thầy Ngân là người giúp em hiểu sâu sắc cái hay, cái đẹp cái tinh tế của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. “Rất nhiều người hỏi em tại sao lại yêu thích dân ca ví, giặm và chọn học để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, trong khi giới trẻ lại không mấy hứng thú với loại hình nghệ thuật này. Em muốn truyền tình yêu khúc hát dân ca của mình tới các bạn trẻ, để cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”, Trà My chia sẻ.

Có thể hát được dân ca ví, giặm, Trà My luôn cảm thấy trong từng làn điệu, ca từ của dân ca ví, giặm ngọt ngào, sâu lắng như tâm hồn người xứ Nghệ. Trước sự thờ ơ của một bộ phận giới trẻ với nét văn hóa đặc sắc của quê hương, Trà My cùng với người thầy nỗ lực mỗi ngày tập luyện, tích lũy kiến thức, lưu giữ giá trị di sản và truyền dạy cho các em nhỏ tuổi hơn mình.

Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương được nhiều người biết đến trong phong trào lan tỏa dân ca ví, giặm ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những năm gần đây, chị mở nhiều lớp chiêu sinh các em nhỏ khắp các vùng, miền để dạy hát dân ca. Các học viên của chị có thể là những em nhỏ mới 10 tuổi nhưng cũng có những em đã ở tuổi thanh, thiếu niên. Tất cả đều đến với lớp học của chị bằng sự say mê dân ca và tinh thần ham học hỏi. Thế nên, dù chỉ thời gian ngắn 10 – 15 buổi nhưng các em đã có thể nắm giữ được nhiều làn điệu hò, ví, giặm của dân ca xứ Nghệ.

Theo Nghệ nhân Nhân dân Hồng Vân, để mở được lớp dạy hát dân ca, bản thân người truyền dạy phải có uy tín, kinh nghiệm truyền dạy và có sức lan tỏa trong cộng đồng về khả năng hát và nắm giữ làn điệu. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, nghệ nhân Hồng Vân đã tự mày mò, sưu tầm các làn điệu gốc, dàn dựng chương trình, nghiên cứu các đạo cụ, dàn dựng cảnh cho các tiết mục biểu diễn, tập hát cho các thành viên…

* Đưa dân ca lên nền tảng số

Hiện nay, chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là xu hướng tất yếu. Số hóa dữ liệu góp phần tôn vinh, phát huy, lưu giữ và lan tỏa nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng.

Mới đây, điệu ví “Sông Lam tình mẹ” được phát trên kênh youtube Nghi Lộc quê tôi của em Phan Phương Thảo (15 tuổi, huyện Đô Lương) đạt gần 1 triệu view và nhận được sự yêu thích, chia sẻ của rất nhiều trang, facebook cá nhân. Giọng hát mộc mạc nhưng chất chứa sự ngọt ngào, sâu lắng của Thảo khiến người nghe thêm yêu thích dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

“Em yêu thích tất cả các làn điệu dân ca ví, giặm. Khi hát dân ca, em cảm nhận được hòa mình vào lời ca, tiếng hát. Em muốn lan tỏa cái hay cái đẹp của dân ca tới mọi người, nhất là các bạn trẻ. Các nền tảng youtube, facebook… chính là phương tiện để em truyền tải dân ca tới mọi người rộng rãi hơn”, Phương Thảo cho biết.

Qua những lớp học này, anh Ngân đã phát hiện được nhiều gương mặt triển vọng, tương lai sẽ có những đóng góp cho sân khấu nghệ thuật truyền thống tỉnh. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Anh Nguyễn Thành Ngân cho biết: “Ngoài Phương Thảo, nhiều bạn trẻ khác cũng có nhiều sản phẩm dân ca ví, giặm rất hay. Rất nhiều trang facebook cá nhân, kênh youtube đã phát lại video của các bạn trẻ. Đây là xu hướng hợp thời đại, góp phần đưa dân ca ví, giặm đi vào cuộc sống, được hàng triệu người trong nước cũng như đang lao động, học tập, định cư ở nước ngoài yêu thích”.

Cùng với việc lan tỏa dân ca ví, giặm trong cộng đồng, việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng dân ca trẻ luôn được Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An chú trọng. Tại Trung tâm, không chỉ có nhiều nghệ sĩ tham gia lớp truyền dạy do tỉnh tổ chức, bản thân các nghệ sĩ cũng tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho các bạn trẻ yêu thích dân ca. Tại những lớp học cộng đồng này, các nghệ sĩ đã sớm phát hiện nhiều tài năng nhí và định hướng cho các em về con đường nghệ thuật trong tương lai.

Nghệ sĩ Nhân dân Minh Tuệ, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc truyền dạy dân ca ví, giặm là những lớp học đầu tiên để phát hiện bồi dưỡng, ươm mầm những tài năng trẻ cho sân khấu truyền thống tỉnh nhà. Cũng thông qua lớp truyền dạy dân ca, vài năm qua, Trung tâm phát hiện bồi dưỡng và cử đi đào tạo được 15 em tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Đây là tiền đề trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ của trung tâm, cũng là ươm mầm và nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ trẻ cho sân khấu chuyên nghiệp của cả nước”.

Với nền tảng mạng internet phát triển và cái tâm của những người lặng thầm đi khơi lại “điểm nghẽn", dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ đang "sống lại" mà tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nghệ./.

Bích Huệ

Xem thêm