Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Sớm chuẩn bị phương án điều chỉnh giá, tránh bị động trong triển khai chính sách
Thực hiện cải cách tiền lương khu vực công và tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 có thể là một yếu tố tạo kỳ vọng lạm phát gia tăng.
TTXVN - “Thực hiện cải cách tiền lương của khu vực công theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW và tăng lương tối thiểu vùng (6%) kể từ ngày 1/7/2024 có thể là một yếu tố tạo kỳ vọng lạm phát gia tăng”, đây là nhận định của Bộ Tài chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, diễn ra chiều 23/1, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 được Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra là dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%. Ngoài việc giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có khả năng tăng lên, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý nếu được điều chỉnh sẽ tạo áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2024.
Theo Thứ trưởng Tài chính Lê Tấn Cận, giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường; một số vật liệu như thép và xi măng, theo dự báo của Bộ Xây dựng, có khả năng biến động do ảnh hưởng của các yếu tố sản xuất được nhập khẩu từ bên ngoài như xăng, dầu, than cốc… Việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 sau khi đã bước đầu được thực hiện trong năm 2023, nhưng với mức độ ít, mang tính “kiềm chế”, giá một số mặt hàng được điều chỉnh muộn trong tháng cuối năm 2023 nên chưa kịp gây nhiều áp lực lên lạm phát 2023.
Về giá dịch vụ giáo dục, căn cứ Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, học phí năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên được tiếp tục giữ ổn định như mức thu năm học 2021-2022, do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới CPI chung. Đối với khối giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, mức trần học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình từ năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027 (mức tăng lùi 1 năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP). Mặc dù mức trần học phí điều chỉnh tăng, nhưng mức tác động đến CPI thực tế phụ thuộc vào mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định.
Về giá điện, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong phương án điều chỉnh giá điện vào các ngày 4/5/2023, 9/11/2023 chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện còn lại năm 2019 và các năm 2020 - 2023. Tổng các khoản chênh lệch tỷ giá hiện chưa được tính vào giá điện hiện hành là khoảng 14.725,83 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị trong năm 2024 cần xem xét việc điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2023, Bộ Y tế ban hành các thông tư kết cấu thêm chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Trong năm 2024, Bộ Y tế đề xuất tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Lý giải về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, trong lộ trình giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất năm 2024 tính đủ ba yếu tố: Chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá khám, chữa bệnh. Còn chi phí khấu hao dự kiến sẽ tính từ năm 2025 trở đi.
Việc chưa tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế gây những bất cập, ảnh hưởng đến việc tự chủ của bệnh viện, đến khả năng tài chính của các đơn vị và thu nhập của y, bác sỹ, dẫn đến tình trạng các bác sỹ khu vực công di chuyển sang khu vực tư.
“Sáu tháng đầu năm 2023, một bệnh viện lớn ở Trung ương có 300 người đi. Khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT về giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, bệnh viện tuyến Trung ương được sử dụng 20% số giường khám, chữa bệnh theo yêu cầu, giúp thu hút nguồn lực, các bệnh viện tuyến Trung ương có thể giữ chân được các bác sỹ”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Ông cho rằng, việc tính đầy đủ các chi phí là cần thiết. Trong nền kinh tế thị trường, dù Nhà nước hay ai cung cấp dịch vụ phải tính đủ giá. Điều này sẽ ảnh hưởng đến CPI, nên phải có hướng điều hành đảm bảo phản ánh đúng giá trị, giúp các đơn vị đứng vững và hoạt động được.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nêu quan điểm, tránh tăng giá các dịch vụ do Nhà nước định giá vào cùng một thời điểm. Trên cơ sở diễn biến giá của từng tháng để đề xuất tăng vào thời điểm nào phù hợp để đạt mục tiêu, không quá an toàn nhưng không quá cao, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vấn đề là ở khâu phối hợp, các bộ, ngành phải chủ động.
“Từ tháng 8/2023, tôi đã đề xuất các bộ, ngành xây dựng kịch bản, phương án tăng giá đối với từng mặt hàng, nhóm hàng cụ thể, chi tiết gửi Tổng cục Thống kê đánh giá tác động ở tầm vĩ mô, sau đó tổng hợp lên bức tranh kịch bản sẽ tăng như thế nào. Trên cơ sở những biến động bên trong và bên ngoài, Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra quyết định trên cơ sở thực tiễn”, bà Hương nói.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, vấn đề này đã được đề cập trong nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo, năm 2022 đã được quan tâm và năm 2023 có cải thiện nhưng chưa đạt như mong muốn. Một số bộ, ngành có liên quan đến mặt hàng Nhà nước định giá, hàng thiết yếu phải có phương án chủ động hơn, đánh giá tác động, chuẩn bị sẵn sàng đến khi quyết định là đủ các điều kiện.
Đánh giá cao sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp có trách nhiệm, chặt chẽ, quyết tâm, nỗ lực triển khai các giải pháp để kiểm soát lạm phát và đạt được kết quả tích cực trong công tác quản lý, điều hành giá, Phó Thủ tướng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, đề nghị các bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm, cần quyết liệt, chủ động hơn để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền các giải pháp trong công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024.
Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân từ 4,0-4,5%, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, dự báo sát tình hình thực tế, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát.
Phó Thủ tướng lưu ý, từ 1/7/2024 sẽ thực hiện tăng lương, bên cạnh đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên, nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu..., do đó cần dự báo sát tình hình thực tế, hết sức cẩn thận, không được chủ quan, để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Trước mắt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Các bộ ngành phải chủ động hơn nữa, chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công thiết yếu, quan trọng theo lộ trình thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu. Tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI để từ đó thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Nhấn mạnh yêu cầu chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, không được để đứt gãy nguồn cung; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả trước các diễn biến bất thường trong cung ứng hàng hóa. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường…/.