Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương những thành quả, đóng góp cho đất nước mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đạt được 70 năm qua; ghi nhận, tri ân những nỗ lực vượt bậc và đóng góp to lớn của toàn thể đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ.
TTXVN - Sáng 2/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng dự sự kiện. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự, về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương; các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ.
Về phía quốc tế có các Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Lào Phouvong Ounkhamsen, Chủ tịch viện Khoa học kinh tế và xã hội Lào Sonethanou Thammavong; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế…
Nhân dịp này, các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trình bày diễn văn chào mừng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu đã ôn lại quá trình 70 năm thành lập và phát triển của Viện.
*Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách
Theo đó, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, chức năng, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ngày càng được mở rộng, tăng cường; cơ cấu tổ chức được kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ nhiệm vụ được giao trong ngày đầu thành lập là sưu tầm và nghiên cứu, biên soạn những tài liệu về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam; nghiên cứu và giới thiệu lịch sử, địa lý và văn học các nước bạn, đến nay Viện Hàn lâm có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển…
Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học với hàng vạn bài báo công bố trên các tạp chí khoa học và hơn 7 ngàn đầu sách xuất bản trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có 21 nhà khoa học của Viện Hàn lâm có công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 28 nhà khoa học có công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Nhà nước - là những giải thưởng quan trọng nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn có giá trị cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước; cung cấp những luận cứ khoa học cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần vào sự hình thành những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu cho biết, từ nay đến năm 2030, Viện Hàn lâm sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp như: Đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý của Viện theo hướng hiện đại; đảm bảo cơ cấu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; ban hành, tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tạo cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu đi tu nghiệp, đào tạo, trao đổi học thuật tại các trung tâm khoa học danh tiếng trên thế giới….
* Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương những thành quả, đóng góp cho đất nước mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đạt được 70 năm qua; ghi nhận, tri ân những nỗ lực vượt bậc và đóng góp to lớn của toàn thể đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn phát triển cho thấy, các quốc gia thành công đều là các quốc gia biết trọng dụng khoa học xã hội, có nền khoa học xã hội hùng mạnh và xã hội vừa hiện đại vừa truyền thống, vừa bứt phá vừa kế thừa. “Đối với Việt Nam, nhiệm vụ của khoa học xã hội không chỉ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn mới về mô hình phát triển; các giá trị lịch sử mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giải phóng, phát triển sức sản xuất; khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Đây là những yêu cầu rất cao đặt ra cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam-cơ quan được Đảng, Nhà nước giao trọng trách nghiên cứu, tư vấn và đạo tạo nhân lực có trình độ cao về về khoa học xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cơ bản thống nhất với những định hướng, nhiệm vụ Viện Hàn lâm đặt ra, Phó Thủ tướng đã chia sẻ một vài suy nghĩ về định hướng phát triển ngành khoa học xã hội Việt Nam thời gian tới. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; trong đó, xác định nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và nguồn lực để phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thành một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị, Viện Hàn lâm cần huy động đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng đề án sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý của Viện Hàn lâm theo hướng hiện đại; đảm bảo cơ cấu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số; kết nối, chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu.
Cùng với đó, Viện Hàn lâm cần huy động đội ngũ cán bộ khoa học của Viện tham gia vào quá trình tổng kết 40 năm đổi mới thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người để trên cơ sở các bài học kinh nghiệm, kế thừa phát triển, tiếp thu tinh hoa nhân loại, đưa ra những lý luận, chủ trương mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đồng thời, phối hợp cùng với các Ban, Bộ, ngành tổng kết các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về các lĩnh vực khoa học xã hội như: Nghị quyết số 20 về phát triển khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đề xuất những chủ trương mới trong giáo dục, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển văn hóa, con người.
Viện Hàn lâm cũng cần chú trọng triển khai các chương trình, đề án nghiên khoa học cơ bản, bài học kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba và những thời cơ và thách thức đặt ra trong là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các xu thế phát triển, lý thuyết, mô hình trong kỷ nguyên của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế dựa vào tri thức; kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, góp phần giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn đặt ra trong quá trình Đổi mới; cung cấp luận cứ cho xây dựng chiến lược, chính sách, lộ trình, bước đi cho Việt Nam để chủ động trước những xu thế, những đổi thay của thời đại…
Nhân dịp này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã vinh dự nhận Huân chương Hữu nghị do Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao tặng. Một số tập thể, cá nhân xuất sắc cũng được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam./.