Thừa Thiên - Huế là địa phương có tiềm năng to lớn để khai thác tài nguyên bản địa, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu.
TTXVN - Ngày 30/11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Làng Công nghệ Dược liệu sạch và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại LaSan tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu.
Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến tiềm năng phát triển nguồn dược liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với hoạt động đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp giúp cho tỉnh phát triển và thương mại hóa các sản phẩm từ dược liệu; liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu gắn với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các giải pháp phát triển kinh tế số về dược liệu.
Nhiều đại biểu cho rằng, Thừa Thiên - Huế là địa phương có tiềm năng to lớn để khai thác tài nguyên bản địa, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu. Tỉnh có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Tuy nhiên, việc sản xuất cây dược liệu còn mang tính tự phát, thiếu bền vững; kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn của doanh nghiệp và thị trường quốc tế. Hoạt động khai thác và phát triển dược liệu gắn với tiềm năng du lịch của tỉnh còn hạn chế. Tỉnh chưa có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển vùng trồng, khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn …
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Thắng đề xuất, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu, thu hút các start up, nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng vùng trồng và cơ sở sản xuất chế biến dược liệu. Tỉnh đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm đa dạng các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ dược liệu và chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu bản địa.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất các giống dược liệu có năng suất và chất lượng cao để phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện 17 nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030./.