Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Nâng vị thế trung tâm nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội nhân văn
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Viện Hàn lâm xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
TTXVN - Là trung tâm khoa học xã hội hàng đầu của đất nước, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn sắc bén cho việc hoạch định đường lối xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đào tạo được đông đảo đội ngũ chuyên gia học thuật trên khắp mọi miền đất nước, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, xây dựng văn hóa, phát triển con người, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Viện (2/12/1953-2/12/2023), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
*Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật trong chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam?
*Tiến sỹ Phan Chí Hiếu: Ngày 2/12/1953, Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay) được thành lập trên mảnh đất Tân Trào lịch sử theo Nghị quyết số 34-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đây là tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật như: Chức năng, nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, tăng cường; cơ cấu tổ chức được kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ nhiệm vụ được giao trong ngày đầu thành lập là sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam, biên soạn những tài liệu về sử học, địa lý và văn học Việt Nam, nghiên cứu và giới thiệu lịch sử, địa lý và văn học các nước bạn, đến nay, Viện Hàn lâm có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội với 14 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn.
Với cơ cấu tổ chức từ 3 tổ nghiên cứu văn học, lịch sử, địa lý, ngày nay, Viện Hàn lâm đã phát triển thành 42 đơn vị thuộc và trực thuộc với 32 đơn vị nghiên cứu, một đơn vị đào tạo. Viện Hàn lâm và các đơn vị nghiên cứu có 31 tạp chí khoa học, trong đó có 12 tạp chí khoa học được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh và một tạp chí điện tử. Từ 14 cán bộ, nhân viên khi thành lập, đến nay Viện Hàn lâm có 1.638 cán bộ, trong đó có 444 cán bộ có trình độ tiến sỹ. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của Viện Hàn lâm, đội ngũ cán bộ nghiên cứu này đang tham gia rất tích cực, hiệu quả vào các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của nhiều cơ quan, đơn vị khác trong phạm vi toàn quốc.
Viện Hàn lâm và các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học với hàng vạn bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học, hơn 7 ngàn đầu sách xuất bản trong nước và quốc tế. Đặc biệt, 21 nhà khoa học của Viện Hàn lâm có công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. 28 nhà khoa học có công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Nhà nước - là những giải thưởng quan trọng nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần quan trọng trong phát triển các lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn.
Những nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn có giá trị cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước; cung cấp những luận cứ khoa học cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần vào sự hình thành những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… Bên cạnh đó, những nghiên cứu về chính trị, pháp luật, xã hội, môi trường, cục diện thế giới, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… do Viện Hàn lâm thực hiện đều có những bước đi tiên phong, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận.
Thành tựu nổi bật khác của Viện Hàn lâm là công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về các ngành khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước, với quá trình hơn 40 năm đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Trước khi thành lập Học viện Khoa học xã hội, nhiều viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, trong đó nhiều viện là nơi đào tạo sau đại học đầu tiên của đất nước. Nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng bởi các viện nghiên cứu chuyên ngành. Học viện Khoa học xã hội đã góp phần định hình, phát triển nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta.Viện Hàn lâm đã phát triển quan hệ hợp tác nghiên cứu, tư vấn triển khai và tổ chức diễn đàn với nhiều Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; có quan hệ hợp tác khoa học, trao đổi học thuật và đào tạo nhân lực với hàng trăm các tổ chức, quỹ khoa học uy tín, trường đại học lớn trên thế giới.
Có thể nói, trong suốt 70 năm qua, với sự cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tạo dựng được vị thế là một trung tâm khoa học xã hội hàng đầu của đất nước; đặt những nền tảng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà, đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
*Phóng viên: Để phát triển đáp ứng với tình hình mới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã và đang tập trung vào các mục tiêu cơ bản nào thưa ông?
*Tiến sỹ Phan Chí Hiếu: Ngay từ đầu năm 2023, Viện Hàn lâm đã chủ động xây dựng Đề án Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng xem xét, thông qua trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã xác định nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và nguồn lực để phát triển hai Đại học Quốc gia và hai Viện Hàn lâm Khoa học thành các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến và giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo xây dựng các Đề án tăng cường năng lực cho hai Đại học Quốc gia và hai Viện Hàn lâm Khoa học. Do vậy, Viện Hàn lâm chưa trình Đề án Chiến lược mà tập trung xây dựng Đề án tăng cường năng lực để phát triển Viện Hàn lâm thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Viện Hàn lâm xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, là cơ quan nghiên cứu lý luận và tham mưu chiến lược, tư vấn chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cơ sở đào tạo đại học và sau đại học đạt trình độ tiên tiến tại khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội cho đất nước.
Với mục tiêu tổng quát nêu trên, Viện Hàn lâm xác định hai mục tiêu xuyên suốt: Nâng cao toàn diện chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản, với các chương trình, đề án nghiên cứu lớn, quan trọng; tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng các sản phẩm khoa học như các đề tài, dự án nghiên cứu, các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn khoa học, các ấn phẩm, tạp chí chuyên ngành, từng bước tiệm cận và tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho Đảng, Nhà nước; thực hiện các khảo sát chuyên sâu, công bố các báo cáo nghiên cứu có giá trị khoa học lớn, các đánh giá, dự báo tình hình có giá trị thực tiễn và định hướng chính sách cao; tích cực tham gia tổng kết quá trình đổi mới của đất nước, nghiên cứu các lý thuyết, mô hình, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, góp phần giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn đặt ra trong quá trình đổi mới.
Viện Hàn lâm cung cấp luận cứ cho việc xây dựng chiến lược, lộ trình, bước đi cho Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước; gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học để phát huy thế mạnh của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu và góp phần hình thành giới nghiên cứu tinh hoa của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
*Phóng viên: Là một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của cả nước, để đáp ứng những nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, Viện đang thực hiện những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, thách thức trong những năm tới, thưa ông?
*Tiến sỹ Phan Chí Hiếu: Viện Hàn lâm sẽ tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý của Viện Hàn lâm theo hướng hiện đại; tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, thuộc thế mạnh của Viện Hàn lâm, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xu hướng phát triển phổ quát trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.
Cùng với đó, ban hành, tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với định hướng tập trung xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp về khoa học; quan tâm, tạo điều kiện phát triển các nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý khoa học kế cận.
Viện Hàn lâm sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu đi tu nghiệp, đào tạo, trao đổi học thuật tại các trung tâm khoa học danh tiếng trên thế giới; thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và trong nước có uy tín tham gia mạng lưới cộng tác viên của Viện Hàn lâm. Đồng thời, xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh đa ngành, liên ngành có năng lực phân tích, dự báo mạnh, khả năng tư vấn chính sách và hội nhập quốc tế cao để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, các báo cáo tư vấn chính sách, đấu thầu các dự án nghiên cứu trong nước và quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên cơ sở lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt những người có trình độ chuyên môn, uy tín khoa học, có tầm nhìn, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, đồng thời phải có bản lĩnh chính trị vững chắc, năng lực xử lý các mối quan hệ công tác.
Viện Hàn lâm tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, nghĩa tình, môi trường học thuật liêm chính, tôn trọng tự do học thuật; đánh giá khách quan, công bằng để ghi nhận, tôn vinh, tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ có năng lực và có nhiều đóng góp. Viện xây dựng, tổ chức các diễn đàn khoa học thường niên và theo chủ đề để trao đổi học thuật, ươm trồng, phát triển các ý tưởng khoa học mới; tích cực tham gia tổ chức các diễn đàn khoa học chuyên nghiệp để tư vấn, phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật và một số dự án phát triển kinh tế, xã hội lớn theo nhiệm vụ được phân công hoặc theo đặt hàng của các cơ quan, tổ chức hữu quan; giải quyết tốt chế độ, chính sách cho viên chức, người lao động; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Viện Hàn lâm tiếp tục phát triển hoạt động hợp tác về nghiên cứu khoa học, không chỉ với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo của nước ngoài, các thiết chế quốc tế mà còn tăng cường quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương.
Viện Hàn lâm sẽ tập trung đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong quản lý nội bộ và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu; kết nối, chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu, hình thành hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.