Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, yếu tố kỹ thuật thường được đề cập tới khi nói về đô thị thông minh.
TTXVN - Ngày 24/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ phối hợp cùng trường Đại học Cần Thơ và một số đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Những giải pháp kỹ thuật hỗ trợ phát triển mô hình thành phố thông minh”. Nhiều đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học được đưa ra tại Hội thảo dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học cùng quá trình đánh giá tính hiệu quả từ các mô hình thực nghiệm trong và ngoài nước.
Bàn về mô hình đô thị thông minh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, yếu tố kỹ thuật thường được đề cập tới khi nói về đô thị thông minh. Tuy nhiên, chìa khóa của sự phát triển mô hình đô thị thông minh bền vững chính là vấn đề đạo đức. "Kỹ thuật là yếu tố có thể được tạo nên và làm chủ nhưng nếu người quản lý, sử dụng nó không đúng tâm và đúng tầm sẽ mang lại hệ quả khó lường", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quang Minh chia sẻ. Đồng thời, ông cũng đề nghị lộ trình xây dựng mô hình đô thị thông minh cần chú trọng yếu tố con người, sau đó mới là công nghệ hiện đại. Mục tiêu nhằm hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, song hành với gìn giữ môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên.
Ở nhóm yếu tố con người, các ý kiến tại Hội thảo đã nêu những yêu cầu cấp thiết là: Tầm nhìn của các lãnh đạo, sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng. Theo đó, lãnh đạo không được có tư duy nhiệm kỳ, cộng đồng phải đồng hành, trực tiếp tham gia vào quy trình kiến tạo thành phố thông minh. Một ví dụ về vấn đề này được các đại biểu đưa ra là mô hình “Cộng đồng không sử dụng túi nilon” đang được người dân Cồn Sơn (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) triển khai. Định hướng giảm rác thải nhựa là tầm vĩ mô nhưng thực hiện và duy trì tính bền vững là dựa vào cộng đồng. Các đại biểu nhất trí cho rằng, khi các biện pháp xử phạt đủ tính răn đe, kết hợp với nhận thức của cộng đồng được nâng cao, chắc chắn điều này sẽ trở thành bệ đỡ để các tiêu chí phát triển mô hình đô thị thông minh trở thành hiện thực.
Song song đó, yếu tố con người còn phải được nhắc đến ở khía cạnh các nhà quản lý phải hoạch định được lộ trình dài hơi về đào tạo nhân sự đủ trình độ quản trị, điều hành hệ thống máy móc thông minh bởi đây chính là yếu tố then chốt, là đối tượng làm chủ cũng như thụ hưởng trong hệ sinh thái đô thị thông minh. Các tiêu chí quản trị này phải được thể hiện cụ thể qua các con số như: Mặt bằng trình độ ngoại ngữ của cộng đồng, khả năng công nghệ thông tin, tỷ lệ người tham gia học tập suốt đời, số trường đại học và viện nghiên cứu, tỷ lệ hộ có thể truy cập internet...
Ở nhóm yếu tố kỹ thuật, các giải pháp được đưa ra tại Hội thảo tập trung vào các nhóm vấn đề: Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; quy hoạch thông minh; tiết kiệm năng lượng; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo xanh; ứng dụng các phần mềm tự động trong quản trị và vận hành bao phủ hầu khắp các lĩnh vực… Đặc biệt, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất màu mỡ về tài nguyên nông nghiệp nhưng cũng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, các đại biểu còn đưa ra những giải pháp công nghệ giúp gia tăng nguồn lợi từ nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp thông minh một cách bền vững; cảnh báo sớm các nguy cơ về sạt lở, xâm nhập mặn…
Trong nhóm giải pháp kỹ thuật hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông thông minh, nghiên cứu viên Lê Minh Cảnh (Trường Đại học Giao thông vận tải) đề xuất giải pháp kết hợp giữa hai mô hình BIM (Building Information Modeling-Xây dựng mô hình thông tin) và GIS (Geographic Information Systems-Hệ thống thông tin địa lý) nhằm phục vụ khai thác, vận hành, bảo trì các công trình hạ tầng công cộng. Việc kết hợp hai mô hình sẽ giúp đơn giản hóa sự tương tác và nâng cao chất lượng dữ liệu, loại bỏ các đối tượng dữ liệu dư thừa; đồng thời hỗ trợ thêm các thông tin không gian địa lý cho mô hình BIM. Khả năng lưu trữ trên hệ thống đám mây để cải thiện quản lý dữ liệu trong mọi môi trường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, Tiến sỹ Nguyễn Minh Nhựt, trường Đại học Cần Thơ đã chia sẻ về tiềm năng tạo ra nguồn năng lượng sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp giúp giải quyết hai bài toán: Giảm thiểu lãng phí từ phụ phẩm; tạo ra nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải khí CO2. Tiến sỹ Nguyễn Minh Nhựt cũng đưa ra con số tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam hiện nay ước hơn 99 triệu tấn/năm, tương đương 340.000 GWh; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 33,4% tương đương hơn 113.000 GWh, gồm: rơm rạ, vỏ trấu, bã mía…ước lượng phụ phẩm nông nghiệp có thể sản xuất khoảng 142.36 triệu MWh/ năm.
Ông Lê Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Cần Thơ cho biết: Thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 - 2025 tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu, chính quyền số, quy hoạch đô thị, giao thông, quản lý môi trường, nông nghiệp, an ninh, an toàn, du lịch, y tế, giáo dục.
Sau 5 năm triển khai, Cần Thơ đã đạt được một số kết quả ban đầu như: Xây dựng thành công trung tâm quản lý giao thông đô thị; đầu tư hệ thống trang thiết bị quản lý, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động, giám sát chất lượng môi trường về nước thải, không khí và các khu vực ngập úng trong đô thị. Thành phố cũng triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp đồng bộ cho tất cả cơ quan hành chính nhà nước.../.