Ngày 23/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị “Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ về sở hữu trí tuệ”.
TTXVN - Ngày 23/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị “Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ về sở hữu trí tuệ”.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin sở hữu công nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh vai trò của sở hữu trí tuệ và thông tin sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ; công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Dẫn chứng từ các nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho biết, có 3 dạng tài sản trí tuệ có giá trị nhất là cơ sở dữ liệu khách hàng (chiếm 42%), công nghệ sản phẩm (40%) và thông tin R&D (23%). Các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ. Đối với doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ, kết quả kinh doanh tăng lần lượt 36% đối với sáng chế, 21% đối với nhãn hiệu, 32% đối với kiểu dáng công nghiệp.
Theo đại diện BambuUp (nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo), đổi mới sáng tạo là chìa khóa vàng cho doanh nghiệp thời đại 4.0. Cùng với sự phát triển vượt trội của kỹ thuật công nghệ, đổi mới sáng tạo đã trở thành xu hướng thiết yếu cho sự phát triển cho doanh nghiệp và xu hướng này đã và đang tác động đến kinh tế - xã hội các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Doanh nghiệp cần đổi mới để phát triển và không bị tụt lại phía sau.
Thông qua các tham luận, các chuyên gia trao đổi về các hoạt động đánh giá, định giá công nghệ - tài sản trí tuệ phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…/.