Địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững chính là quá trình đưa các mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng và quy ước bởi các tổ chức quốc tế vào địa phương, để đạt được sự phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường toàn diện và hiệu quả.
(TTXVN)- Ngày 14/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững”. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, những người quan tâm đến lĩnh vực phát triển bền vững, chỉ số phát triển bền vững chia sẻ, thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế và bài học rút ra cho Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cấp địa phương trên tất cả các khía cạnh: kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế.
Khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, năm 2019, Hội nghị Cấp cao về các Mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc tổ chức đã kêu gọi một Thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững. Khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi toàn cầu hợp sức cho một thập kỷ hành động ở ba cấp độ: hành động toàn cầu để đảm bảo có thêm những chỉ đạo mạnh mẽ, nguồn lực nhiều hơn và giải pháp thông minh hơn cho các Mục tiêu phát triển bền vững; hành động địa phương tích hợp những thay đổi cần thiết vào chính sách, ngân sách, tổ chức và khuôn khổ pháp lý của các chính phủ, thành phố và chính quyền địa phương; hành động của người dân để tạo ra một phong trào không thể ngăn cản, thúc đẩy cho những biến đổi cần thiết vì mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Giáo sư Nguyễn Đức Minh cho rằng, các quốc gia, các cộng đồng địa phương phải đối mặt với những khó khăn chung cũng như những vướng mắc riêng của mình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Sự thành công và cán đích của mỗi cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững phần lớn phụ thuộc vào quá trình địa phương hóa các mục tiêu phát triển này, vào việc hài hòa hóa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu với mong muốn và định hướng phát triển của các quốc gia, các cộng đồng địa phương. Hội thảo nhìn lại tiến trình đã qua trong việc địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và tại Việt Nam. Hội thảo không chỉ bàn luận những vấn đề về lý luận, phương pháp, kỹ thuật trong việc áp dụng từng mục tiêu, từng chỉ số vào bối cảnh của mỗi quốc gia mà còn thảo luận những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của các cộng đồng...
Theo Tiến sỹ Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra trong tháng 9/2015 tại New York (Hoa Kỳ), các Nhà Lãnh đạo thế giới đã thống nhất thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát bền vững (sau đây gọi tắt là Chương trình nghị sự 2030). Chương trình Nghị sự 2030 là bước tiếp nối, phát triển từ sự thành công của Mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 21 (được thông qua năm 1992). Chương trình Nghị sự 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 21 không để ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình này được thiết kế xung quanh 5 trụ cột, với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể.
Để có thể theo dõi, đánh giá và giám sát quá trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, từng quốc gia thành viên đã và đang tiếp tục “địa phương hóa” các mục tiêu phát triển bền vững ở cả cấp quốc gia, cấp tỉnh và thậm chí ở cấp thấp hơn. Cụ thể hơn, địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững chính là quá trình đưa các mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng và quy ước bởi các tổ chức quốc tế vào địa phương, để đạt được sự phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường toàn diện và hiệu quả. Hoạt động này giúp hài hòa giữa mục tiêu quốc gia và nguyện vọng cộng đồng trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau ở các mức độ khác nhau như vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề giảm nghèo, già hóa dân số, bảo tồn di sản văn hóa...
Phát triển bền vững và chỉ tiêu phát triển bền vững về kinh tế gắn với Chương trình Nghị sự 2030, Tiến sỹ Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục ban hành bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững ở cấp địa phương. Đối với chỉ tiêu phát triển bền vững về kinh tế cần lưu ý, rà soát riêng chỉ tiêu phát triển bền vững về kinh tế gắn với Chương trình Nghị sự 2030. Việc xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững kinh tế cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với năng lực, tài chính và nguồn nhân lực trong từng thời kỳ; cần giải mã rõ ràng hơn về nội hàm của phát triển bền vững về kinh tế mà Việt Nam sẽ hướng tới trong giai đoạn 2023-2030 và những năm sau 2030... Giai đoạn này, cần chú trọng thêm các khía cạnh để tiến tới sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình Nghị sự 2030.
Chia sẻ về địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững, tư duy toàn cầu- hành động địa phương, Tiến sỹ Bùi Quang Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng cho biết, để đảm bảo thành công trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, mỗi cá nhân không ngừng nghiên cứu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và đổi mới trong quá trình thực hiện và giám sát. Cùng với đó sự cam kết và hành động cụ thể từ mỗi cá nhân, tổ chức và cộng đồng là yếu tố quyết định để biến các mục tiêu phát triển bền vững từ lý thuyết thành hiện thực.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như: các chỉ tiêu phát triển bền vững kinh tế biển; kinh nghiệm của một số nước châu Á về phát triển bền vững cấp địa phương; bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam và các chỉ tiêu có liên quan đến các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; nâng cao năng suất lao động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở các thành phố; phát triển nông nghiệp bền vững ở nông thôn.../.