Xã hội

Phụ nữ khuyết tật sáng tạo thời trang từ vải tái chế

Đà Nẵng

Nhóm dự án “Tái chế vì hạnh phúc” đa số thành viên tham gia là phụ nữ khuyết tật. Họ đến từ 4 tỉnh:Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Một số thành viên của nhóm dự án “Tái chế vì hạnh phúc”. (Ảnh: Võ Văn Dũng/TTXVN)

TTXVN - Cách đây hơn 4 năm, Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng thành phố Đà Nẵng (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng) đã khởi xướng dự án “Tái chế vì hạnh phúc” hỗ trợ người khuyết tật thực hiện tái chế rác từ vải thải để may thành những sản phẩm thời trang hữu ích. Với sự tham gia tích cực của các thành viên, đến nay dự án này đã nâng cao năng lực làm việc, mang lại nguồn thu nhập cho những người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Thu gom lượng lớn vải thải từ các công ty thời trang ở Hội An, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Nẵng, nhóm “Tái chế vì hạnh phúc” đã dùng những mảnh vải thừa, đã qua sử dụng để may thành những sản phẩm thời trang thủ công, với nhiều mẫu mã, đa dạng chủng loại, như: túi điện thoại, túi xách, balo, nơ…phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng khách hàng ở các tỉnh Miền Trung, Miền Nam và kể cả khách nước ngoài.

Sản phẩm thời trang do nhóm phụ nữ khuyết tật may từ các loại vải thải, đã qua sử dụng. (Ảnh: Võ Văn Dũng/TTXVN)

Những sản phẩm này được bán, đặt gửi tại nhiều gian hàng ở chợ đêm, các shop quần áo, nhà hàng. Điểm đặc biệt của nhóm dự án “Tái chế vì hạnh phúc”, đó là 20 thành viên tham gia đa số là phụ nữ khuyết tật. Họ đến từ 4 tỉnh:Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Chị Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng thành phố Đà Nẵng cho hay, mục tiêu của dự án là đào tạo kỹ năng làm việc cho người khuyết tật, giảm lượng rác thải, tái chế một cách sáng tạo rác thải vải trở thành các sản phẩm thời trang có thể sử dụng lại; từ đó, có thể giảm thiểu thói quen sử dụng một lần các sản phẩm nhựa và các nguyên liệu khác. Thông qua hoạt động này, dự án mong muốn nâng cao nhận thức của người khuyết tật và người dân về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, những sản phẩm sau khi được tái chế, sử dụng và bán ra thị trường sẽ tạo thêm nguồn thu nhập cho chị em khuyết tật trang trải cuộc sống.

Theo chị Dung, để hoạt động hiệu quả và lan tỏa được tinh thần bảo vệ môi trường cho các nhóm đối tượng khác nhau trong cộng đồng, chị và các thành viên trong dự án đã liên kết với các nhà thiết kế, kết nối các bạn sinh viên ngành thời trang, họa sĩ để cùng nhau hỗ trợ, thiết kế sản phẩm tái chế từ vải, giúp những sản phẩm này đẹp và đa dạng mẫu mã hơn.

Nhóm phụ nữ khuyết tật đang làm ra những sản phẩm thời trang từ các loại vải thải thu gom được. (Ảnh: Võ Văn Dũng/TTXVN))

Chị Dung chia sẻ: “Tái chế rác thải là trách nhiệm chung của cộng đồng. Dự án được khởi xướng để gắn kết nhóm yếu thế và các bên liên quan, sử dụng các nguồn lực hiện có để cùng nhau bảo vệ môi trường; nâng cao kỹ năng làm việc và mang lại hạnh phúc cho người khuyết tật. Đây cũng là cách để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng tốt nhất và hướng đến phát triển bền vững”.

Tham gia dự án gần 3 năm, công việc của chị Đặng Thị Nở là thu gom, phân loại các loại vải thải để tái chế lại. Chị Nở vui vẻ tâm sự: “Đây là công việc ý nghĩa, góp phần giảm tỷ lệ rác thải từ vải, bảo vệ môi trường. Tôi rất hạnh phúc khi làm công việc này, vì không những mang lại nguồn thu nhập, còn giúp tôi tự tin và hòa nhập với xã hội hơn”.

Cũng như chị Nở, chị Nguyễn Thị Ly Na (thành viên tham gia dự án) cho hay, dự án này giúp bản thân chị hiểu hơn về công tác bảo vệ môi trường, mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Ngoài ra, việc tạo ra các sản phẩm phần nào giúp chị nâng cao kỹ năng may mặc.

Chị Phan Thị Hồng Nga (thành viên tham gia dự án) chia sẻ: “Tôi rất vui và hạnh phúc, khi chính mình đã tái chế những mảnh vải thải trở thành những sản phẩm hữu ích, thời trang đem lại giá trị cho xã hội và được nhiều người biết đến. Tham gia tái chế vải thải cũng góp phần ngăn chặn rác thải ra môi trường"./.

Võ Văn Dũng

Xem thêm