Chỉ đạo, Điều hành

Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững

Phú Yên

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước. Phấn đấu từ năm 2035, tỉnh tự cân đối được ngân sách nhà nước.

Quang cảnh kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

TTXVN - Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra từ ngày 6 - 9/12. Kỳ họp đã thông qua 45 Nghị quyết liên quan đến các nội dung về công tác nhân sự và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch này.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...), du lịch dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vận tải biển và logistics.

Tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế được đặt ra gồm: Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đạt khoảng 8,5 - 9%/năm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9 - 10%/năm. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 7 triệu lượt khách, đóng góp GRDP của ngành Du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%. Tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP... Ngoài ra, tỉnh phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1,5% vào năm 2030. Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 23.000 - 25.000 lao động. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%; đạt 42 - 44 giường bệnh/10.000 dân; 12 bác sỹ/10.000 dân...

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước. Phấn đấu từ năm 2035, tỉnh tự cân đối được ngân sách nhà nước; là trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Trong quy hoạch, Phú Yên xác định các trọng tâm ưu tiên phát triển gồm: Hạ tầng giao thông gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và kết nối với cao tốc Bắc -Nam, tuyến kết nối cảng biển, kết nối trực tiếp với tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai) để tạo liên kết phát triển vùng.

Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạt nhân là phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm phát huy lợi thế nằm gần đường hàng hải quốc tế để thu hút đầu tư phát triển các dự án luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng sạch... Chuỗi đô thị ven biển với trung tâm là thành phố Tuy Hòa mở rộng - cực tăng trưởng của tỉnh. Một số cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế và y tế chất lượng cao. Hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số.

Phát biểu tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt là nội dung lớn, quan trọng, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tỉnh toàn diện, thống nhất trong thời gian tới với con người là trung tâm của sự phát triển. Tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch này trong tháng 12/2023. Như vậy, Phú Yên có hai quy hoạch đã và sẽ hoàn thành.

Quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, HĐND, UBND tỉnh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là đối với ba trụ cột phát triển; chú trọng huy động ngoại lực gắn với phát huy nội lực để triển khai thành công quy các mục tiêu của quy hoạch.../.

Xuân Triệu

Xem thêm