Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Bảo hiểm (sửa đổi).
TTXVN - Chiều 8/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Bảo hiểm (sửa đổi). Gần 100 lãnh đạo các cấp bộ, ngành, chuyên gia, đại diện các Trung tâm dịch vụ việc làm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, người sử dụng lao động, cùng đông đảo người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã trao đổi, góp ý, chia sẻ thực tiễn, bày tỏ quan điểm về Dự án Luật, vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần để giúp cơ quan chủ trì thẩm tra và trình Quốc hội Dự án Luật chất lượng, khả thi trong thực tế và bảo vệ quyền lợi lâu dài của người lao động.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023; quy định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu và dư luận xã hội.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định năm 1994 tại Bộ luật Lao động, trong bối cảnh khi đó chủ yếu dành cho cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công. Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người lao động nghỉ việc và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội là điểm rất khác biệt so với quy định của các quốc gia trên thế giới.
Từ trước đến nay, dự thảo Chính phủ trình đều quy định người lao động nếu có nguyện vọng thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương tự như nhau cho cả trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện. Nhưng khi chưa đủ điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu, tức là đang trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe, có khả năng làm việc để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà nhận bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu trước mắt thì dù về lý do gì đều trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí; không bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động hết tuổi lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an sinh xã hội.
"Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV luôn thống nhất quan điểm dù lựa chọn phương án nào thì quan trọng là đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường lao động; đó mới là giải pháp về lâu dài", bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này kế thừa quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Riêng trường hợp người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần "sau một năm nghỉ việc" quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì có 2 phương án được đề xuất cụ thể như sau:
Phương án 1, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: Trong đó, nhóm người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật mới có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
"Có thể thấy, cả 2 phương án đều nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau; mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định", ông Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ thực trạng hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về bảo hiểm xã hội một lần trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại diện người lao động cũng chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng và quan điểm riêng về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần...
Các đại biểu cũng nhìn nhận, Luật Bảo hiểm năm 2014, được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Tuy nhiên, khi chưa chính thức có hiệu lực thi hành, một bộ phận người lao động có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn lao động và báo cáo của Chính phủ, ngày 22/6/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Trong đó, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần..../.