Đảm bảo an ninh vùng biên không chỉ là nhiệm vụ quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho các tỉnh biên giới.
Ngày 25/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm của các nước về đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới đất liền” thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay”.
Sự kiện có các nhà khoa học, chuyên gia hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp và những người quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới đất liền tham dự. Đây là diễn đàn để các đại biểu cùng chia sẻ những phát hiện mới, kết quả nghiên cứu khoa học và các kinh nghiệm quốc tế, từ đó rút ra những bài học thiết thực cho Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Tiến sỹ Lê Văn Hùng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh quốc phòng tại các khu vực biên giới đất liền, trong bối cảnh những thay đổi địa chính trị phức tạp và tác động của toàn cầu hóa. Tiến sỹ Hùng nhấn mạnh, việc đảm bảo an ninh vùng biên không chỉ là nhiệm vụ quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho các tỉnh biên giới.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Quang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chia sẻ về chính sách và kế hoạch quản lý an ninh biên giới của Thái Lan, đặc biệt là trường hợp khu vực biên giới phía Nam. Tiến sỹ Nguyễn Hồng Quang đã chỉ ra những thách thức mà Thái Lan gặp phải trong kiểm soát biên giới và các biện pháp mà nước này đã thực hiện nhằm đảm bảo an ninh, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế vùng biên.
Hai đại biểu Bùi Việt Cường và Trần Thị Thu Huyền, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng đã trình bày tham luận về chủ đề “Quản lý biên giới đất liền: Kinh nghiệm Ba Lan và bài học cho Việt Nam”. Các diễn giả chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ Ba Lan, một quốc gia có vị trí chiến lược ở châu Âu và là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng như khối Schengen.
Theo các diễn giả, Ba Lan chính thức gia nhập khối Schengen vào năm 2007, dẫn đến việc dỡ bỏ các rào cản đường biên giới với các quốc gia EU, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do trong khu vực. Để kiểm soát biên giới với các quốc gia ngoài EU, Ba Lan đã áp dụng các quy định đồng bộ, bao gồm việc thực hiện visa Schengen và tăng cường hợp tác đa phương với các quốc gia trong khối. Đặc biệt, hợp tác tư pháp trong chống tội phạm và trao đổi thông tin đã giúp Ba Lan duy trì an ninh biên giới hiệu quả hơn.
Một trong những thách thức lớn của Ba Lan sau khi gia nhập EU là dòng người nhập cư tăng mạnh, chủ yếu vì lý do kinh tế. Việc quản lý dòng người nhập cư trở thành một ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, khi cuộc khủng hoảng tị nạn lên tới đỉnh điểm vào năm 2015, chính quyền Ba Lan đã thực hiện các biện pháp chủ động để đối phó với tình hình. Đó là: Bảo vệ an ninh nội địa và quản lý dòng nhập cư nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và tội phạm xuyên biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho những người không đáp ứng đủ các quy định liên quan; tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản, đặc biệt là phẩm giá con người, tạo điều kiện tiếp cận bảo vệ quốc tế cho những người có nhu cầu.
Từ những kinh nghiệm của Ba Lan, các diễn giả đã rút ra những bài học quan trọng cho Việt Nam trong công tác quản lý biên giới đất liền. Các diễn giả cho rằng, việc đặt ra các ưu tiên trong từng giai đoạn có vai trò quyết định trong việc quản lý biên giới một cách hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để giải quyết các vấn đề an ninh và di cư xuyên biên giới; xây dựng cơ chế quản lý biên giới tích hợp có thể là một giải pháp hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa việc quản lý đa lĩnh vực ở biên giới và tôn trọng các quyền con người.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả tập trung thảo luận về các mô hình quản lý biên giới hiệu quả của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar. Những kinh nghiệm từ các quốc gia này đã chỉ ra việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của vùng biên giới.
Các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi từ các kinh nghiệm quốc tế, đồng thời vận dụng linh hoạt vào thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng ở khu vực biên giới đất liền, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước trong bối cảnh mới./.
- Từ khóa:
- quản lý biên giới
- kinh nghiệm
- quốc tế
- Việt Nam