Quốc hội với Cử tri

Quan tâm hỗ trợ đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số

Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến của cử tri đề nghị sớm hỗ trợ, ổn định đời sống người dân bị thiên tai; quan tâm đến các Nghệ sỹ vùng sâu, vùng xa.

Ngày 8/10, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến của cử tri đề nghị sớm hỗ trợ, ổn định đời sống người dân bị thiên tai; quan tâm đến các Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú vùng sâu, vùng xa.

Bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình chủ trì. 
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

* Sớm hỗ trợ người dân bị thiên tai ổn định đời sống

Theo đó, ngày 8/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 8 điểm cầu của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh, đã thông tin đến cử tri tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh trong 9 tháng năm 2024; báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và chương trình Kỳ họp thứ 8.

Cử tri các địa phương đã có 17 ý kiến liên quan đến lĩnh vực đất đai; tài nguyên môi trường; hỗ trợ chính sách; văn hóa - xã hội; sắp xếp dân cư; sửa đổi các luật... Cử tri mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét sửa đổi chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời, sớm hỗ trợ bố trí sắp xếp dân cư để ổn định đời sống.

Cử tri huyện Văn Bàn đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nội dung hỗ trợ cho địa bàn bố trí dân cư xen ghép để thực hiện điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bổ sung quy định mức hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển phải bố trí ổn định tại chỗ…

Cử tri huyện Bắc Hà mong muốn tỉnh kiến nghị với Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Đề án huyện Bắc Hà thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo Quyết định 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Nguyên nhân là do thời gian thực hiện thực tế ngắn, chưa đảm bảo để thực hiện hoàn thành các nội dung hỗ trợ và các tiêu chí huyện thoát nghèo, trong khi việc bố trí nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Nhiều nội dung chưa triển khai thực hiện được do các văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa rõ ràng, dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án thành phần không đạt tiến độ, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Bên cạnh đó, huyện vừa chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, sản xuất... cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, cử tri các huyện Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng đề nghị xem xét sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/01/2017 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, theo các cử tri, Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa phù hợp đối với trường hợp phá rừng tự nhiên. Các cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể việc khắc phục hậu quả để đảm bảo hiệu quả, phù hợp; đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan sớm ban hành hướng dẫn chi tiết việc hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư theo quy định tại khoản 4, Điều 14, Nghị định 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và ban hành quy định về thanh lý rừng trồng để có cơ sở tổ chức thực hiện việc thanh lý đối với những diện tích bị thiệt hại do thiên tai, bất khả kháng và diện tích rừng trồng không thành rừng để tổ chức triển khai thực hiện.

Cử tri một số sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai đề xuất tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện với số tháng trên 144 tháng hoặc cho phép người lao động hưởng một lần số tiền mà người lao động đã đóng bảo hiểm tự nguyện của số tháng trên 144 tháng để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với công việc và duy trì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giải đáp, làm rõ thêm các ý kiến thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đề nghị Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp các nội dung gửi đến Quốc hội, các cấp có thẩm quyền tại kỳ họp tới. Đối với các nhóm ý kiến liên quan đến địa phương, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng phương án giải quyết để đạt hiệu quả cao nhất.

Dịp này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã trao 100 suất quà động viên công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn và bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn tỉnh.

* Quan tâm hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú vùng sâu, vùng xa

Quang cảnh hội nghị. 
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Trong hai ngày 7 và 8/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình khóa XV tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tại các huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 7 đến nay.

Cử tri huyện Lương Sơn nêu lên một số khó khăn như: hệ thống nhà, lớp học đa số được thiết kế xây dựng theo chương trình kiên cố hóa trường, lớp học vùng trung du miền núi, cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng theo quy định chung, gây khó khăn trong việc kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Cử tri đề nghị sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua tỉnh Hòa Bình (huyện Lương Sơn); quan tâm hỗ trợ những cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú ở các địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Đại diện các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và Lạc Thủy đã trả lời, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền được cử tri kiến nghị.

Cử tri huyện Lương Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. 
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tại huyện Yên Thủy, nhiều cử tri kiến nghị hỗ trợ các địa phương xây dựng, mở rộng nhà văn hóa xã, thôn, xóm; sửa chữa, nạo vét hồ chứa nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu; mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; nghiên cứu, hỗ trợ cây giống cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc nổ mìn khai thác đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Thành Hưng, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân, gây mất an toàn giao thông trên địa bàn thôn Đồng Bong. Cử tri cũng kiến nghị xem xét giải quyết việc lò đốt lốp tại thôn Đại Đồng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mưa, ảnh hưởng đời sống người dân thôn Đại Đồng. Cử tri cũng phản ánh tại xã có nhiều dự án đã được quy hoạch nhưng không thực hiện, gây lãng phí tài nguyên đất đai; đề nghị các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ thuộc nông trường Sông Bôi; sớm có dự án nâng cấp, sửa chữa Tượng đài Hồ Chí Minh tại thôn Đồng Đễ đã xuống cấp rạn, nứt; đề nghị Quốc hội xem xét quy định trong Luật Công đoàn về thời gian làm nhiệm vụ công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở phù hợp; tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi), quy định chế tài xử lý đơn vị cố tình không đóng kinh phí công đoàn.

Bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình ghi nhận và tiếp thu các ý kiến cử tri. Trên cơ sở phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương, Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ xây dựng báo cáo, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8.

Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình đã tặng 60 suất quà cho 60 công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và Lạc Thủy./.

Phóng viên TTXVN các địa phương

Tin liên quan

Xem thêm