Xã hội

Quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực đến du khách trong nước và quốc tế

Quảng Ninh

Hải Dương quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm nông sản chủ lực của mình đến với du khách trong nước và quốc tế tham quan, du lịch tại tỉnh Quảng Ninh.

Các doanh nghiệp 2 tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ mua bán hàng hoá. 
Ảnh: Văn Đức -TTXVN

Ngày 13/6, tại thành phố Hạ Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh tổ chức giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các nông sản chủ lực của Hải Dương năm 2024.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đức chia sẻ, tỉnh Quảng Ninh, với dân số đông gần 1,5 triệu người và hàng năm có lượng du khách đến thăm quan du lịch rất lớn (năm 2023 đạt 15,5 triệu lượt, trong đó có 2 triệu lượt du khách quốc tế). Trong khi đó lượng lương thực, thực phẩm tại chỗ của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 20% như cầu. Chình vì thế, đây là thị trường mà các nông sản của Hải Dương đã và đang hướng đến. Tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh sẽ đáp ứng được cả 2 yếu tố là tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.

Gian trưng bày hàng nông sản Hải Dương. 
Ảnh: Văn Đức -TTXVN

Thông qua sự kiện này, tỉnh Hải Dương đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm nông sản chủ lực của mình đến với du khách trong nước và quốc tế thăm quan, du lịch tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối giữa người sản xuất với chuỗi nhà hàng, khách sạn tỉnh Quảng Ninh để tiêu thụ sản phẩm vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh Hải Dương tại Quảng Ninh.

Hải Dương là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Dương có đất đai phì nhiêu, màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi. Tỉnh Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, chất lượng và sản lượng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.

Hàng năm, Hải Dương sản xuất được khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 700.000 tấn rau, củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản.

Gian trưng bày hàng nông sản Hải Dương. 
Ảnh: Văn Đức -TTXVN

Đặc biệt, tỉnh có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Hiện nay, Hải Dương có trên 8.850 ha vải thiều. Các diện tích vải của Hải Dương cơ bản đều được sản xuất theo quy trình an toàn, quy trình GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), trong đó có trên 500 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trên 100 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Bình quân sản lượng hàng năm đạt khoảng 60.000 tấn. Thời gian có thể cung ứng sản phẩm quả vải thiều tươi ra ngoài thị trường là từ tháng 5 đến hết tháng 6. Ngoài ra, sản phẩm vải thiều sấy khô có thể cung ứng quanh năm.

Vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc, đang được Trung ương xem xét phê duyệt là sản phẩm OCOP 5 sao; quả vải thiều Thanh Hà được bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”, top 10 sản phẩm uy tín chất lượng.

Khánh tham quan gian trưng bày. 
Ảnh: Văn Đức -TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng cho biết, ngoài việc quan tâm đầu tư sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, những năm qua, tỉnh Hải Dương rất quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Hải Dương trong đó có vải thiều Thanh Hà.

Nông sản của tỉnh Hải Dương đã chinh phục không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, nhất là các thị trường cao cấp. Riêng quả vải thiều Thanh Hà đã xuất khẩu thành công sang hầu hết các thị trường cao cấp và yêu cầu khắt khe như Nhật, Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand, Thái Lan và một số nước thuộc EU.

Đối với thị trường trong nước, nông sản của Hải Dương đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn như: VinMark, Sài Gòn Mark, Fivimark, Coop Mark, GO... Việc xuất khẩu nông sản là quan trọng, tuy nhiên việc phát huy tối đa thị trường trong nước là ưu tiên hàng đầu, bởi đây là thị trường “màu mỡ”, còn rất nhiều dư địa để khai thác./.

PV

Xem thêm