Tùy theo trọng lượng lợn chết, người dân phải nộp từ 200.000-600.000 đồng mà không có hóa đơn, chứng từ cụ thể.
Nhiều người dân xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi bức xúc khi phải đóng tiền cho lực lượng vận chuyển lợn chết do nhiễm dịch tả châu Phi đi tiêu hủy. Tùy theo trọng lượng lợn chết, người dân phải nộp từ 200.000-600.000 đồng mà không có hóa đơn, chứng từ cụ thể.
Gia đình bà Nguyễn Thị H. (55 tuổi), thôn Phú Minh nuôi gần 10 con lợn nái. Ngày 16/7, bà phát hiện 1 con lợn chết với nhiều dấu hiệu của dịch tả lợn châu Phi nên đã báo cho Trưởng thôn để được hỗ trợ đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên, lực lượng vận chuyển đã yêu cầu bà đóng 600.000 đồng. “Những người đến để chở lợn đi tiêu hủy cho rằng con lợn của gia đình tôi quá lớn, nên phải nộp 600.000 đồng mới mang đi nếu không thì gia đình phải tự tiêu hủy. Sợ lợn chết bốc mùi hôi thối, tôi phải đóng tiền để xe thu gom chở đi”, bà H. cho hay.
Tương tự, bà Trần Thị T., thôn Phú Minh cho biết, sau khi bà báo cho Trưởng thôn về việc lợn chết do dịch tả châu Phi, thì có người tới để vận chuyển lợn đi tiêu hủy, thu của bà 600.000 nghìn đồng. “Lợn chết là gia đình đã mất đi một tài sản lớn, nhưng để được tiêu hủy lợn lại phải bỏ ra 600.000 đồng nữa. Tuy nhiên, lực lượng này không cung cấp bất kì giấy tờ nào liên quan đến biên bản kiểm kê, thu gom, phiếu thu tiền,...”, bà T. bức xúc.
Theo một số người dân, mức phí phụ thuộc vào trọng lượng của mỗi con lợn. Lợn càng nặng thì tiền càng nhiều. Ông Từ Văn Nguyên, Trưởng thôn Phú Minh, xã Nghĩa Hành xác nhận: Việc người dân trong thôn phải đóng tiền cho đội thu lợn dịch đi tiêu hủy là có thật. Việc thu tiền này không chỉ ở thôn Phú Minh mà thôn nào trong xã cũng vậy.
Được biết, theo quy định thì người dân sau khi phát hiện lợn bị bệnh dịch tả châu Phi sẽ báo cho chính quyền địa phương. Sau đó, sẽ có lực lượng của xã đến đưa lợn đi tiêu hủy, những người tham gia công tác phòng, chống dịch được chi trả theo ngày công từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, tại xã Nghĩa Hành người dân phải đóng phí thì mới được đưa lợn đi tiêu hủy. Điều này có đang đi ngược với quy định của pháp luật?
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành Phạm Văn Tâm cho biết, xã Nghĩa Hành được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã là Hành Thuận, Hành Trung và thị trấn Chợ Chùa. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ngay sau khi chính quyền mới đi vào hoạt động. UBND xã đã họp và chỉ đạo các cơ quan liên quan về việc thành lập đội thu gom, tìm vị trí tiêu hủy, tăng cường tuyên truyền cách phòng, chống dịch... Sau khi lợn bị dịch tả châu Phi, người dân báo cho chính quyền địa phương để được thu gom, tiêu hủy. Bà con không phải chi trả bất kì khoản phí nào cho lực lượng vận chuyển lợn đi tiêu hủy. Các chi phí này sẽ được chính quyền địa phương chi trả.
Hiện nay chính quyền địa phương chưa tiếp nhận thông tin nào từ người dân về việc lực lượng thu gom lợn đi tiêu hủy thu tiền phí. Nhưng sau khi nhận được phản ánh từ phóng viên TTXVN, UBND xã sẽ nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ vấn đề này. Nếu thực tế có tình trạng này, chính quyền xã sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, ông Phạm Văn Tâm nêu rõ./.