Quảng Ninh lựa chọn 3 trụ cột chính là: công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển; đầu tư công.
Theo Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, xác định mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 10%, duy trì liên tục một thập kỷ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 3 tỷ USD trở lên; thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách du lịch; phát triển mới 2.000 doanh nghiệp trở lên…
Quảng Ninh lựa chọn 3 trụ cột chính, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển; đầu tư công.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030. Tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên), Việt Hưng (thành phố Hạ Long), Hải Hà (huyện Hải Hà).
Trụ cột thứ hai là tập trung phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu thu hút từ 17-20 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 39.100 tỷ đồng.
Tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương nghiên cứu làm mới các sản phẩm, dịch vụ, nhất là sản phẩm về đêm, công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Từ đó nhằm tăng doanh thu, mức chi tiêu bình quân của du khách, tăng hiệu quả kinh tế. Song song với phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh cũng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ngành du lịch đã xây dựng các phương án phát triển thị trường khách du lịch, tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch thế mạnh, phù hợp với thị hiếu của đa dạng dòng khách; đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới.
Ngành du lịch tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với Sân bay Vân Đồn, như các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và các tỉnh Điện Biên, Bình Định... Đồng thời, chú trọng đến nhu cầu của các nhóm đối tượng khách để xây dựng chiến lược và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp. Hiện, khách đã thay đổi nhu cầu, mang tính chuyên biệt cao hơn, như: Tìm hiểu văn hóa, chơi golf, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên...
Với thị trường khách quốc tế, Quảng Ninh xác định trọng tâm là khu vực Đông Bắc Á, tiếp đến là khu vực ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. Ngành du lịch triển khai các chiến dịch, sự kiện, các chương trình xúc tiến du lịch. Đặc biệt, liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường quốc tế.
Trụ cột cuối cùng là đầu tư công, từ đầu năm 2024, Quảng Ninh đã lên kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư công được giao. Theo đó, dự kiến vốn đầu tư công năm 2024 tỉnh Quảng Ninh là hơn 14.280 tỷ đồng; trong đó, từ ngân sách địa phương 13.849,9 tỷ đồng, ngân sách trung ương phân bổ 430,7 tỷ đồng.
Quảng Ninh tập trung ưu tiên phân bổ cho các dự án, công trình hoàn thành năm 2024, các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới như: Đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); hạ tầng kỹ thuật, xã hội khu tái định cư, khu hành chính xã Vạn Yên; xây dựng đường dẫn cầu Bến Rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ...
Với tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) quý I/2024 ước tăng 8,79%, Quảng Ninh nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, cao hơn kịch bản đề ra./.
- Từ khóa:
- Quảng Ninh
- một thập kỷ
- tăng trưởng 2 con số