Xã hội

Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Lai Châu

Lai Châu

Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Người dân Lai Châu phun tiêu độc khử trùng chuồng trại khi dịch bùng phát.
Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định của pháp luật về thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại một số xã, thị trấn thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh. Có thể kể đến xã Bản Hon, Sơn Bình (huyện Tam Đường); Phăng Sô Lin, Pa Khóa và Ma Quai (huyện Sìn Hồ); Thu Lũm, Bum Nưa (huyện Mường Tè); phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu)... Số lợn phải tiêu hủy lên tới hàng trăm con.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát là do mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và đường lây truyền dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, việc giao thương buôn bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật khó kiểm soát triệt để…

Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn trước nguy cơ bệnh dịch tái phát thì biện pháp tiêm phòng là rất quan trọng. Tuy nhiên, giá vaccine phòng bệnh dịch tả châu Phi cao, đàn lợn phải được xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước khi tiêm nên rất tốn kém cho người chăn nuôi. Do đó, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 15% so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 244 nghìn con.

Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại một số địa phương, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống. Các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: thực hiện tiêm phòng vụ Thu - Đông cho đàn vật nuôi đối với các loại vaccine: tụ huyết trùng, lở mồm long móng đối với trâu, bò; dịch tả lợn cổ điển; tụ huyết trùng lợn; tai xanh lợn; lở mồm, long móng lợn; cúm gia cầm; dại chó mèo.

Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động nhân dân khi phát hiện lợn mắc bệnh dịch tả cần tiêu hủy và cách ly chúng nhanh chóng để tránh lây lan và dịch bệnh bùng phát; không mua bán, vận chuyển và tiêu thụ lợn đã bị nhiễm bệnh hoặc lợn nghi bị bệnh; tiêu diệt những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang bệnh đi phát tán.

Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi trong chuồng kín; kiểm soát người ra, vào khu vực chăn nuôi; chủ động nguồn con giống tại chỗ (hoặc mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh); kiểm soát chặt thức ăn đầu vào.

Ngoài ra, cần tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng các bệnh khác cho đàn lợn như: tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng; có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chế phẩm sinh học nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; định kỳ 1 tuần 1 lần phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi.../.

 

 

PV

Tin liên quan

Xem thêm