Mô hình phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt dựa vào cộng đồng tại xã Phù Long là bước chuẩn bị khi thời điểm áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn sắp đến 1/1/2025.
Trong khuôn khổ Nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát hiện trạng và đề xuất mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng tại một số đảo lớn nước ta” cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2024, sáng 30/9, tại Hải Phòng, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp UBND xã Phù Long (huyện Cát Hải) tổ chức Hội nghị ra mắt mô hình phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt dựa vào cộng đồng xã Phù Long.
Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp (Viện Địa lý nhân văn), Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu 6 điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, Điều 75 của Luật quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn bắt đầu từ ngày 1/1/2025 nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng thì quá trình đưa chính sách vào cuộc sống sẽ rất khó khăn. Việc ra mắt mô hình phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt dựa vào cộng đồng xã Phù Long đóng góp giải pháp từ cơ sở khi thời điểm áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn sắp tới.
Theo ông Nguyễn Đức Tiềm, Chủ tịch UBND xã Phù Long, nhằm duy trì chương trình, nội dung hoạt động của mô hình trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt các phong trào bảo vệ môi trường, Ban chủ nhiệm mô hình “Xử lý rác thải tại nguồn” xã Phù Long thống nhất xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ từng thành viên. Cụ thể, hằng tuần, các thành viên trong Ban chỉ đạo chủ động giám sát, theo dõi các hoạt động có liên quan đến nội dung đã được đăng ký trong bản cam kết “Phân loại rác thải tại nguồn”; đồng thời thông tin, báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh diễn ra trong quá trình thực hiện đến Thường trực Ban chỉ đạo mô hình để phối hợp giải quyết.
"Thông qua triển khai mô hình, Ban chỉ đạo tìm ra những cách làm hay, hiệu quả hơn, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt để hoạt động phân loại rác tại nguồn đi vào thực chất. Đây cũng là mô hình điểm, được kỳ vọng thu được nhiều kinh nghiệm phong phú đối với các tỉnh, thành có đặc điểm tương tự khi triển khai thu gom, xử lý, phân loại rác tại nguồn", ông Nguyễn Đức Tiềm cho biết thêm.
Để triển khai mô hình đạt hiệu quả tại Phù Long, bà Bùi Thanh Huế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đề xuất, từng thành viên trong mô hình phải gương mẫu, đi đầu trong tổ chức thực hiện, tuyên truyền để nhân dân cùng tham gia. Định kỳ hằng quý, 6 tháng, 1 năm, các thành viên báo cáo kết quả, tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ cần xác định việc phân loại, xử lý chất thải tại hộ gia đình là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng xã nông thôn mới.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia đến từ Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang chia sẻ kinh nghiệm về nhân nuôi chế phẩm sinh học, trồng dược liệu từ rác...; các nhà khoa học Viện Nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trụ sở tại huyện Cát Hải chia sẻ những sáng kiến, giải pháp xây dựng mô hình, hay, sáng tạo như: Mô hình “Trường học không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần”; mô hình “Xã đảo không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần”. Đại diện Câu lạc bộ "Sống xanh” chia sẻ giải pháp về ủ thực phẩm hữu cơ bằng phương pháp hiếu khí không cần sử dụng chế phẩm sinh học phù hợp với các hộ kinh doanh, nhà hàng, trụ sở…
Sau khi ra mắt mô hình "Khu dân cư phân loại rác thải tại nguồn", 65 thành viên trong mô hình và hội viên phụ nữ trong cụm dân cư thôn Bắc, thôn Nam, xã Phù Long đã được các chuyên gia tập huấn các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; phòng, chống rác thải nhựa, hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong mua sắm, tiêu dùng hàng ngày tại gia đình và cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại nguồn ngay tại hộ gia đình, hạn chế chôn lấp rác thải, không vứt rác thải bừa bãi ở nơi công cộng.
Nhân dịp này, UBND xã Phù Long trao tặng 80 thùng đựng rác và thùng ủ rác hữu cơ cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ nòng cốt tại thôn Bắc, thôn Nam, xã Phù Long./.
- Từ khóa:
- mô hình
- phân loại rác tại nguồn