Sóc Trăng hiện có hơn 80,3% trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
TTXVN - Ngày 28/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Cùng dự có ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến, thông tin tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn tổ chuyên môn, giáo viên kiểm tra, đánh giá theo quy định, đặc biệt có đánh giá, rút kinh nghiệm để đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp yêu cầu đổi mới. UBND tỉnh đánh giá, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được kế thừa và phát triển của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời đổi mới giúp học sinh phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực.
Tính đến cuối năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 372/463 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,35%. Chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đánh giá các điều kiện đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2022 - 2023, toàn ngành có 11.440 giáo viên phổ thông. Đến nay, tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đã tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn triển khai chương trình.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là cơ sở vật chất còn thiếu so với yêu cầu đổi mới, thiết bị dạy và học đầu tư chưa đồng bộ, còn tình trạng thừa thiếu giáo viên phổ thông cục bộ. Một số giáo viên chưa mạnh dạn trong đổi mới; chưa có giáo viên được đào tạo chính quy dạy các môn tích hợp…
Do đó, Sóc Trăng đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; ban hành chính sách tuyển dụng đội ngũ nhà giáo nhằm khắc phục bất cập trong thời gian qua để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Tỉnh kiến nghị tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học giúp các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018…
Kết luận buổi giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của thầy cô giáo, ngành Giáo dục địa phương, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua, bước đầu thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các ý kiến, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của địa phương sẽ được tổng hợp đầy đủ, phục vụ công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan thời gian tới.
Đại diện Đoàn giám sát yêu cầu Sóc Trăng tiếp tục rà soát, đánh giá mạng lưới trường lớp, điều kiện về nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu đổi mới; thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện, đào tạo thế hệ học sinh có ý chí, đạo đức, năng lực tự học, khả năng thích ứng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đánh giá chất lượng theo hướng đa chiều như đánh giá của người dạy đối với người học, đánh giá của người học đối với người dạy và tự đánh giá của người dạy, của người học.../.
- Từ khóa:
- Sóc Trăng
- đổi mới giáo dục