Tính đến ngày 22/3/2023, thành phố Hải Phòng thu hút 385,08 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt 17,91% kế hoạch năm.
TTXVN - Đề cao trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ được giao, phân công, ủy quyền; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tại Phiên họp thường kỳ tháng 3/2023 (trực tuyến) để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, diễn ra chiều 27/3.
Theo báo cáo tại Phiên họp, tăng trưởng kinh tế (GRDP) thành phố Hải Phòng quý I/2023 đạt 9,65%. Một số chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ; trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 13,12%; khách du lịch đạt trên 1.387 nghìn lượt, bằng 19% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 226,8 nghìn lượt.
Giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố tính đến ngày 10/3/2023, vốn giao kế hoạch năm 2023 giải ngân đạt hơn 2.224 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch thành phố giao, bằng 16,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 13.403 tỷ đồng). Trong đó, ngân sách Trung ương đã giải ngân 90,863 tỷ đồng, đạt 8%. Thành phố đã giải ngân hơn 2.132 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch thành phố giao.
Tính đến ngày 22/3/2023, thành phố Hải Phòng thu hút 385,08 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng vốn), bằng 78,89% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 17,91% kế hoạch năm. Trong quý I/2023, thu ngân sách nhà nước của thành phố ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, tương đương 20,59% dự toán HĐND thành phố giao, trong đó thu nội địa gần 8.200 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 14.500 tỷ đồng. Thành phố đã khởi công một số công trình, dự án lớn trong lĩnh vực giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội thành phố...
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nêu rõ, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát tiến độ kế hoạch đề ra như tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; chỉ tiêu thu ngân sách và chỉ tiêu sản lượng hàng qua cảng giảm so với cùng kỳ. Tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án và tình hình giải ngân vốn đầu tư. Ngoài ra, thành phố để xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động của nhân dân. Công tác phối hợp của một số sở, ban, ngành, địa phương chưa tốt dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai nhiệm vụ được giao...
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng yêu cầu, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương, đơn vị đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số năm 2023 đã được giao, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu tập trung thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; tiếp tục triển khai giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số, dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán lẻ; tập trung chỉ đạo, thực hiện các dự án đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tăng thu ngân sách nhà nước.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị đẩy nhanh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, đặc biệt các dự án trọng điểm đã được xác định trong năm 2023. Kịp thời đề xuất cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công; tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội thành phố và từng quận, huyện.
Đồng thời, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là thực hiện hiệu quả mô hình “Kết nối thủ tục giấy phép kinh doanh có điều kiện” để hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện; tạo môi trường hành chính minh bạch, phục vụ nhân dân, làm động lực cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị rà soát tổng thể các dự án, công trình có vướng mắc, kéo dài, dự án, công trình sai phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, đề xuất phương hướng tháo gỡ, xử lý dứt điểm./.