Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh lần đầu tiên phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức Giải bóng đá nữ dân tộc thiểu số - Cúp Hà Lan.
Để bộ môn bóng đá nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số lan tỏa rộng khắp, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh lần đầu tiên phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức Giải bóng đá nữ dân tộc thiểu số - Cúp Hà Lan ở quy mô cấp tỉnh, thu hút nhiều đội, câu lạc bộ trong tỉnh tham gia tranh tài.
Trong giải đấu lần này có 7 đội của huyện Bình Liêu và Tiên Yên tham gia, các vận động viên là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương. Điểm đặc sắc của giải đấu là các nữ vận động viên sẽ thi đấu trong trang phục truyền thống của dân tộc mình thay vì các trang phục thi đấu thể thao thông thường.
Chị Nguyễn Phương Thùy ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết, lần đầu tiên chị đến Bình Liêu và cũng lần đầu tiên xem một trận bóng “khác thường” như thế, bởi các cầu thủ thi đấu áo không có số, đá rất vô tư nhưng rất nỗ lực để giành chiến thắng cho đội nhà. Theo chị Thùy, đây là một hoạt động rất ý nghĩa của người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng là dấu ấn thu hút du khách quốc tế. Địa phương nên duy trì hoạt động này và tổ chức thêm các giải trong năm để tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Bất ngờ với hình ảnh những cô gái có dáng hình nhỏ nhắn trong bộ váy truyền thống đá bóng, ông Ioannis Stapanudis (Tùy viên Đại sứ quán Hy Lạp tại Việt Nam) chia sẻ, lần đầu tiên ông đến với mảnh đất Bình Liêu, ngoài vẻ đẹp hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, thời tiết mát mẻ thì ông rất ấn tượng với trận bóng đá mà các cô gái mặc trang phục truyền thống thi đấu.
Các trận đấu bóng đá nữ dân tộc thiểu số là một sản phẩm du lịch độc đáo trên địa bàn huyện Bình Liêu, được địa phương quan tâm phát triển. Những năm gần đây có thêm các huyện như: Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà tổ chức theo mô hình này. Song đây là lần đầu tiên Giải bóng đá các dân tộc thiểu số Quảng Ninh được tổ chức nhằm thiết thực hưởng ứng Lễ hội mùa vàng Bình Liêu 2024; đồng thời cụ thể hóa hiệu quả Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh giai đoạn 2024-2025, định hướng tới 2030, tạo thêm sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với mảnh đất biên cương.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh thông tin, giải đấu là món ăn tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là giải thể thao phong trào để gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, thông qua các giải đấu này sẽ tìm kiếm và đào tạo các nhân tố cho giải thể thao thành tích cao của tỉnh.
Trong thời gian tới, bên cạnh các giải thể thao thành tích cao, Sở đã xây dựng đề án bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là đề án xương sống để tổ chức các hoạt động, các sự kiện gắn liền với các địa phương, tạo các sản phẩm thể thao cho mọi người góp phần phát triển đời sống, kinh tế xã hội cho các địa phương. Đối với giải bóng này, Sở sẽ tiếp tục vận động các địa phương tích phát hiện các nhân tố, rèn luyện và thành lập đội bóng để nhân lên số đội tham gia thi đấu ở giải của các năm tiếp theo.
Theo điều lệ giải, các đội tuyển ở các xã, thị trấn trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và các câu lạc bộ bóng đá được các cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, đều được quyền đăng ký tham gia thi đấu tại giải.
Các đội đăng ký và thi đấu trong các trang phục đặc trưng của dân tộc mình. Các cầu thủ thi đấu trên sân bóng 7 người theo Luật Bóng đá 7 người do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành.
Các đội bóng chia làm 2 bảng thi đấu vòng tròn một lượt, chọn 2 đội Nhất, Nhì bảng, vào đấu chéo ở vòng Bán kết, tìm ra 2 đội mạnh nhất vào Chung kết. Giải sẽ bế mạc vào ngày 31/10./.