Việc sáp nhập sẽ tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành, giảm chồng chéo trong tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, giúp dễ dàng quản lý hơn; thống nhất chỉ đạo.
Các địa phương đang khẩn trương hoàn thành đề án sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã đảm bảo đúng quy trình đầy đủ, chú trọng tính kết nối và đồng bộ, được lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân.
* Lâm Đồng ban hành Nghị quyết về đề án sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã
Ngày 26/4, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành 2 nghị quyết về Đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng.
Tại Nghị quyết số 38- NQ/TU ngày 25/4/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI quyết nghị thống nhất chủ trương đối với Đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông thành một tỉnh, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số (cả thường trú và tạm trú) của 3 tỉnh hiện nay.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng (mới) sau khi hợp nhất có diện tích tự nhiên là 24.233,07 km2; quy mô dân số là 3.872.999 người. Dự kiến có khoảng 124 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới đặt tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng hiện nay). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tại Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 25/4/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI quyết nghị thống nhất thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng. Sau sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng có 51 đơn vị hành chính cấp xã gồm 9 phường và 42 xã.
Theo Đề án, 9 phường mới gồm: Xuân Hương - Đà Lạt, Cam Ly- Đà Lạt, Lâm Viên - Đà Lạt, Xuân Trường- Đà Lạt, Lang Biang - Đà Lạt, Phường 1 Bảo Lộc, Phường 2 Bảo Lộc, Phường 3 Bảo Lộc và Phường B’Lao.
Ngoài ra, 40 đơn vị hành chính cấp xã mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 2 - 4 đơn vị hành chính cấp xã. Đơn vị cấp xã có diện tích nhỏ nhất là xã Cát Tiên rộng 78 km2, dân số 19.735 người, sáp nhập từ thị trấn Cát Tiên và 2 xã Nam Ninh, Quảng Ngãi của huyện Đạ Huoai hiện nay. Xã có diện tích lớn nhất là Lạc Dương có diện tích 828 km2, sáp nhập trên cơ sở sắp xếp 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais của huyện Lạc Dương hiện nay; có dân số 14.912 người (trong đó có 12.166 người là đồng bào dân tộc thiểu số).
Tỉnh Lâm Đồng có 2 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sáp nhập là xã Ninh Gia trên cơ sở giữ nguyên diện tích tự nhiên 143,83 km2, dân số 16.311 người thuộc huyện Đức Trọng hiện nay. Đổi tên xã Bà Gia thuộc huyện Đạ Huoai hiện nay thành xã Đạ Huoai 3 trên cơ sở giữ nguyên diện tích tự nhiên 131,51 km2, dân số 6.571 người…
* Sau sắp xếp, Kon Tum còn 40 đơn vị hành chính cấp xã
Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết về Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum; phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum sau sắp xếp là sẽ giảm từ 102 đơn vị xuống còn 40 đơn vị (trong đó có 3 phường). Cụ thể, thành phố Kon Tum từ 21 đơn vị thành 6 đơn vị gồm: phường Kon Tum, phường Đăk Cấm, phường Đăk Bla.
Huyện Đăk Hà sắp xếp từ 11 đơn vị xuống còn 5 đơn vị gồm các xã: Đăk Pxi, Đăk Mar, Đăk Ui, Ngọk Réo và Đăk Hà. Huyện Đăk Tô sắp xếp từ 9 đơn vị thành 3 đơn vị gồm 3 xã: Đăk Tô, Ngọk Tụ và Kon Đào. Huyện Tu Mơ Rông sắp xếp từ 11 đơn vị thành 4 đơn vị gồm các xã: Đăk Sao, Đăk Tờ Kan, Tu Mơ Rông và Măng Ri. Huyện Ngọc Hồi từ 8 đơn vị thành 3 gồm các xã gồm: Bờ Y, Sa Loong và Dục Nông. Huyện Đăk Glei từ 12 đơn vị thành 6 đơn vị gồm các xã: Xốp, Ngọc Linh, Đăk BLô, Đăk Pék, Đăk Môn và Đăk Long. Huyện Sa Thầy từ 11 đơn vị thành 5 đơn vị gồm: Sa Thầy, Sa Bình, Ia Ly, Rờ Kơi và Mô Rai. Huyện Ia H’Drai sắp xếp 3 đơn vị thành 2 đơn vị gồm: xã Ia Tơi và Ia Đal. Huyện Kon Rẫy sắp xếp 7 đơn vị thành 3 đơn vị gồm các xã: Đăk Kôi, Kon Braih và Đăk Rve. Huyện Kon Plông từ 9 đơn vị sắp xếp thành 3 đơn vị gồm các xã: Măng Đen, Măng Bút và Kon Plông.
* Sóc Trăng sớm hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, đến nay, tỉnh đã hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, tỉnh sắp xếp từ 108 xã, phường, thị trấn xuống còn 43 đơn vị hành chính cấp, xã, phường (mới) bao gồm 8 phường và 35 xã (trong đó có 4 xã giữ nguyên không thực hiện sắp xếp do các yếu tố đặc thù lịch sử và biệt lập).
Cụ thể, Sóc Trăng giữ nguyên hiện trạng xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách), xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú), xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) và xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu).
Như vậy, sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã mới giảm 65 đơn vị so với trước khi sắp xếp (108 đơn vị). Ngoài ra, Tờ trình của UBND tỉnh gửi Bộ Nội vụ cũng đề ra các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp, hợp nhất…
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho rằng, với việc hoàn thành xong Đề án và gửi Bộ Nội vụ thẩm định từ ngày 25/4, Sóc Trăng đã thực hiện sớm so với kế hoạch nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình đầy đủ, chú trọng tính kết nối và đồng bộ, được lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân và các tầng lớp nhân dân đồng tình thống nhất cao…
* Thành lập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam
Sáng 26/4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã công bố quyết định thành lập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, trên cơ sở sáp nhập Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam vào Báo Quảng Nam.
Tại lễ công bố, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành 5 quyết định bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam. Theo đó ông Mai Văn Tư (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam) giữ chức vụ Tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam kể từ ngày 1/5; bổ nhiệm 4 Phó Tổng biên tập gồm: ông Nguyễn Hữu Đổng, Trương Văn Nam, Trần Đình Ánh và bà Dương Nữ Hoàng Anh.
Phát biểu tại lễ công bố quyết định, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, việc sáp nhập Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam vào Báo Quảng Nam là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được sự đồng thuận cao của Tỉnh ủy; đặc biệt là của đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của 2 đơn vị.
“Việc sáp nhập sẽ tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành, giảm chồng chéo trong tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, giúp dễ dàng quản lý hơn; thống nhất chỉ đạo, định hướng tuyên truyền từ cơ quan quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả thông tin. Việc sáp nhập lần này còn góp phần tiết kiệm chi phí và nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp về thông tin - truyền thông; kết hợp các thế mạnh của báo viết và phát thanh, truyền hình để tạo ra sản phẩm truyền thông đa phương tiện, hiện đại, hấp dẫn. Theo đó, mở rộng kênh tiếp cận độc giả, khán giả trên nhiều nền tảng như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, thích ứng với xu thế chuyển đổi số hiện nay", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu, trước mắt, các đơn vị tập trung làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam hợp lý; chủ động phối hợp với Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng thống nhất về số lượng, tên gọi các phòng để thuận lợi trong việc bố trí, sắp xếp khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo chủ trương của Bộ Chính trị./.