Văn hóa

Sức hút từ làng nghề tăm hương duy nhất ở Thủ đô

Hà Nội

Làng tăm hương hơn trăm tuổi Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) ngày càng phát huy thế mạnh của làng nghề để phát triển du lịch, là điểm nhấn trên hành trình khám phá miền di sản ngoại đô

Hà Nội có trên 800 làng nghề và làng có nghề, trong đó làng nghề Quảng Phú Cầu có nghề làm tăm hương. Hiện nay, làng tăm hương hơn trăm tuổi Quảng Phú Cầu ngày càng được nhiều người biết đến. Nhờ đó, một số người dân không chỉ sống bằng nghề tăm hương “cha truyền, con nối” mà còn phát triển du lịch làng nghề để nâng cao đời sống.

* Ấn tượng với làng tăm hương truyền thống

Nhiều du khách có ấn tượng mạnh mẽ về làng tăm hương Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) qua những bức ảnh, video độc đáo trên các trang báo, mạng xã hội hay được bạn bè, người thân giới thiệu. Ngày càng nhiều du khách tìm về đây để ghi lại nét đẹp độc đáo của làng nghề chuyên về tăm hương duy nhất ở Thủ đô, khám phá nét văn hóa của một làng quê Bắc Bộ.

Du khách nhí chụp ảnh lưu niệm tại Làng hương Quảng Phú Cầu 
Ảnh: Tuyết Mai

Đến đầu làng Quảng Phú Cầu, chị Minh Hường cùng nhóm bạn đến từ Thành phố Hồ Chí Minh được chủ cơ sở tăm hương Long Hòa - anh Nguyễn Hữu Long chạy xe điện ra đón. Hồ hởi giới thiệu với khách về nghề làm tăm hương của quê hương, anh Long cho biết, gia đình anh hiện là một cơ sở làm nghề tăm hương lớn ở xã. Với 39 năm nối nghiệp gia đình, sản phẩm tăm hương của gia đình anh hiện cung cấp cho các cơ sở khắp Bắc, Trung, Nam, với sản lượng trung bình 7 – 9 tấn/ngày.

Theo anh Nguyễn Hữu Long, xã Quảng Phú Cầu có hơn 10 thôn nhưng chỉ có 3 – 4 thôn, với hơn 10 gia đình làm nghề sản xuất tăm hương, chủ yếu sản xuất nhỏ, lẻ, khối lượng sản phẩm không nhiều. Trên khoảng sân rộng của cơ sở tăm hương Long Hòa, các bó tăm hương rực rỡ sắc màu (đỏ, xanh, vàng) được sắp đặt nghệ thuật, trong đó đỏ là màu chủ đạo, làm bừng sáng cả không gian làng quê theo cách ấn tượng.

Phơi tăm hương. 
Ảnh: Tuyết Mai

Các đoàn khách du lịch quốc tế đến làng nghề tăm hương Quảng Tú Cầu rất đông, đặc biệt vào dịp giáp Tết. Từ người già, trẻ nhỏ cho đến thanh, thiếu niên, ai ấy đều hào hứng tạo dáng chụp ảnh bên những bó tăm hương giản dị. Anh Nguyễn Hữu Long cho biết, ngay cả dịp Tết, cơ sở cũng mở cửa đón các đoàn khách quốc tế đặt lịch từ trước đến tham qua, tìm hiểu về làng nghề.

Anh Alex Gilman, du khách đến từ Vương quốc Anh chia sẻ, trước đây nghĩ tăm hương chỉ để làm hương, nhưng đến đây mới biết tăm hương còn được người dân Việt Nam trang trí, tạo ra những khung cảnh đẹp thế này. Anh đã đi qua 15 – 20 nước với nhiều làng nghề, nhưng đến đây mới hiểu và biết thêm được các công đoạn, cách thức làm hương, ý nghĩa của cây hương trong văn hóa Việt. “Người Việt Nam nên giữ lại những văn hóa như thế và gìn giữ làng nghề thủ công với từng công đoạn sản xuất bằng tay, để người nước ngoài có thể hiểu được quy trình làm ra cây hương”, anh Alex Gilman nói.

Công đoạn làm tăm hương. 
Ảnh: Tuyết Mai

Vì tò mò về các nghề truyền thống của Việt Nam, anh Nick - một nhân viên Chính phủ Singapore đã đến làng nghề Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc và Quảng Tú Cầu trong chuyến du lịch Việt Nam lần này. Nick chia sẻ, anh rất bất ngờ khi từ làm hương bằng tay chuyển sang công nghiệp hóa một phần mà có hộ dân đạt sản lượng 15 tấn hương/ngày. "Tôi thích ngắm và trải nghiệm tại những làng nghề truyền thống. Điều này rất hiếm ở Singapore, khi giới trẻ hầu như chỉ biết đến điện thoại. Các thế hệ trẻ Việt cần gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Tôi sẽ trải nghiệm các làng nghề đặc trưng khác ở Việt Nam trong những lần tới”, anh Nick vui vẻ cho biết.

* Tô điểm sắc màu cho làng quê Việt

Trên các đường thôn, ngõ xóm làng nghề Quảng Phú Cầu, người dân tận dụng những khoảng sân, ô đất trống, bờ tường để phơi tăm hương, tạo những điểm nhấn cho không gian làng quê bởi những gam màu rực rỡ. Trong các gian nhà, bà con bận rộn với với việc chẻ vầu, nhuộm tăm hương, phân loại, đóng gói sản phẩm…, ô tô đóng hàng chở đi các nơi cung cấp cho thị trường. Người dân làng Quảng Phú Cầu cởi mở chia sẻ về lịch sử làng nghề với những trăn trở về bảo tồn và phát huy làng nghề, giúp du khách hiểu hơn nét độc đáo của nghề tăm hương.

Nghề làm hương xuất hiện đầu tiên ở thôn Phú Lương Thượng, sau đó dần lan rộng ra các thôn Đạo Tú, Cầu Bầu, Xà Cầu của xã Quảng Phú Cầu. Không biết từ bao giờ, xã Quảng Phú Cầu trở thành một trong những làng nghề nổi bật ở vùng ngoại ô Thủ đô, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Để làm ra một nén hương, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ tre (hoặc vầu), vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói. Hương Quảng Phú Cầu từ lâu đã nổi tiếng với chất lượng và mẫu mã đa dạng, bởi người làm nghề ở Quảng Phú Cầu luôn cẩn thận, kỹ càng trong việc chọn nguyên liệu và nêu cao trách nhiệm giữ nghề truyền thống.

Công đoạn làm tăm hương. 
Ảnh: Tuyết Mai

“Làm nghề mà một công đôi việc, vừa kinh doanh tăm hương, vừa phục vụ khách du lịch thì quá tuyệt vời. Trước đây, cơ sở hoàn toàn làm tăm hương bằng tay nay chuyển sang làm bằng máy để nâng cao năng suất, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Việc phơi hương cũng được cải tiến trong cách sắp đặt để phục vụ thị hiếu của du khách chụp ảnh”, ông chủ cơ sở tăm hương Long Hòa - Nguyễn Hữu Long chia sẻ.

Hiện nay, Hợp tác xã hương Quảng Phú Cầu có hơn 3.000 hộ tham gia sản xuất, với nhiều sản phẩm OCOP đạt 3 sao (hương nén, hương nụ, hương vòng) và 4 sao (nụ quế từ bi hương, nụ trám từ bi hương, nụ trầm từ bi hương, hương vòng). Hương Quảng Phú Cầu có màu sắc và mùi hương đặc trưng, thơm nhưng không quá nồng, ít khói, cháy rất lâu, đặc biệt là an toàn với sức khỏe.

Ngoài nhu cầu tìm hiểu văn hóa của người Việt qua nghề làm hương, nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài mong muốn người dân làng nghề Quảng Phú Cầu bên cạnh việc đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng, cần song song giữ lại cách làm nghề truyền thống hoàn toàn thủ công để giới thiệu cho du khách, giúp họ tìm về ngọn nguồn nghề truyền thống của người Việt.

Nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh trong văn hóa Việt, Quảng Phú Cầu là một làng nghề đang giữ gìn nét đẹp văn hóa đó. Những năm gần đây, khi người dân Quảng Phú Cầu biết phát huy thế mạnh của làng nghề để phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, chụp ảnh của du khách đã góp phần tạo thêm sức hút lớn, đem lại sức sống mới cho làng nghề./.

Tuyết Mai

Tin liên quan

Xem thêm