Văn hóa

Tái hiện, tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc ở sân khấu trên sông Sài Gòn

Có thể nói đây là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên diễn ra trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc, vũ kịch, công nghệ trình diễn hiện đại nhất hiện nay.

Du khách trải nghiệm du lịch sông nước. 
Ảnh: Chương Đài/TTXVN

TTXVN - Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 31/5 đến ngày 9/6 với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại". Năm nay, tổng đạo diễn Lê Hải Yến sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc lễ hội tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn vào tối 31/5, tái hiện và tôn vinh lịch sử hào hùng liên quan đến dòng sông Sài Gòn qua câu chuyện về những chuyến tàu.

Có thể nói đây là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên diễn ra trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc, vũ kịch, công nghệ trình diễn hiện đại nhất hiện nay để tái hiện một câu chuyện về lịch sử đồ sộ của dân tộc. Chương trình có sự tham gia của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, đạo diễn âm nhạc Đức Trí, biên đạo Tấn Lộc, nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng.

Nữ đạo diễn Lê Hải Yến luôn dành tình yêu cho lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Nữ đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ: Ở mùa 1, "Dòng sông kể chuyện" là một bức tranh văn hóa toàn cảnh về Gia Định- Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh qua lịch sử từ "Khởi thủy" - "Khẩn hoang"- "Xây thành"- "Trên bến dưới thuyền"- "Thương cảng phồn vinh" đến "Rực rỡ thành phố bên sông". Năm nay là những câu chuyện lịch sử cận đại diễn ra ngay trên dòng chảy này qua các chương: "Hạ thủy"- "Cập bến"- "Ra khơi"- "Dậy sóng"- "Vươn xa". Chương trình có sự kết hợp công nghệ kỹ xảo điện ảnh, trình chiếu 3D Mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn Drone, bắn pháo hoa… hứa hẹn sẽ tiếp tục để lại dấu ấn sâu sắc với công chúng.

Sông Sài Sòn từ xưa đã ghi dấu biết bao chuyến tàu đi vào lịch sử, trở thành huyền thoại của dân tộc. Đó là những hải thuyền đầu tiên do người Việt sáng tạo được hạ thủy, hải trình đi tới các quần đảo xa xôi để cắm mốc khẳng định chủ quyền dân tộc. Còn có chuyến tàu huyền thoại mang theo vận mệnh của cả dân tộc... Còn hôm nay, là những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp năm châu, tàu du lịch đưa du khách thưởng ngoạn dòng sông bình yên, thơ mộng.

Một phối cảnh sân khấu của chương trình.
Nguồn: Ban tổ chức cung cấp

Để hình thành và xây dựng kịch bản mùa 2, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến vẫn dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu tư liệu lịch sử, gặp gỡ chuyên gia xin cố vấn. Đặc biệt, cô công phu tìm gặp các nhân chứng lịch sử là cựu cán bộ quản lý của Tổng công ty Ba Son, cựu đặc công rừng Sác năm xưa để xin cố vấn về tư liệu, hình ảnh. Không chỉ là lịch sử, cô còn tìm hiểu chi tiết rất nhỏ về trang phục, cách sống, chiến đấu, kỹ thuật và công cụ chiến đấu… của lực lượng đặc công để tái hiện chân thực nhất trên sân khấu. Đây cũng là phong cách làm lễ hội rất tiêu biểu của nữ đạo diễn trẻ tài năng.

Đạo diễn Lê Hải Yến tâm sự, cô luôn dành tình yêu đặc biệt với lịch sử, văn hóa dân tộc, luôn muốn khai thác, tìm tòi những câu chuyện, lớp "trầm tích văn hóa lịch sử" ẩn sâu để đưa tới cho khán giả bằng một trái tim đầy cảm xúc và nhiệt huyết. Cô muốn khơi dậy trong mỗi người tình yêu quê hương và tự tôn dân tộc, khai thác để lịch sử trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam vươn xa hơn.

Bến Nhà Rồng nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cô cho rằng, lễ hội là cơ hội truyền tải các câu chuyện lịch sử, văn hóa, từ đó, những người làm nghệ thuật góp sức vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy du lịch từ việc khai thác các giá trị truyền thống.

Năm 2023, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Dòng sông kể chuyện" trong Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, khó quên với công chúng trong và ngoài nước. Đặc biệt là đã góp phần định vị thương hiệu du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh - Đô thị trên sông nước giàu bản sắc, đa dạng văn hóa. Đến nay, du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn vẫn tiếp tục gia tăng lượng khách nội địa và nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một loại hình, sản phẩm tạo sự khác biệt, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh./.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm