Môi trường

Tái tạo “vành đai xanh” ở Nam Trung Bộ *Bài cuối: Giải pháp phát triển bền vững

Để rừng phát triển bền vững cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, nhất là sự chung tay của người dân sống ven rừng.

Việc phục hồi rừng ngập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ mới chỉ là bước khởi đầu. Ngoài tiếp tục mở rộng diện tích rừng ngập mặn, các địa phương cần có cơ chế để duy trì, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút người dân và cộng đồng tham gia phục hồi, bảo vệ, chia sẻ lợi ích từ nhằm phát huy hiệu quả, bền vững rừng ngập mặn - “vành đai xanh” trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có hơn 2.800 ha đất rừng phòng hộ; trong đó, đất đã có rừng là hơn 2.100 ha, chưa có rừng 758,56 ha. Diện tích đất rừng phòng hộ chiếm 26,98% đất lâm nghiệp các xã ven biển chưa đáp ứng được yêu cầu phòng hộ chắn gió, cát bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng, nhà cửa các khu dân cư và sản xuất nông nghiệp cho nhân dân ven biển. Rừng ven biển, rừng ngập mặn nghèo về thành phần loài thực vật và giá trị kinh tế của lâm sản thấp. Tuy nhiên, các loài sinh vật khác trong và dưới tán rừng ngập mặn, ngập nước lại rất phong phú và đa dạng.

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, tỉnh tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ngãi đã điều chỉnh bổ sung tăng 142,41 ha đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng phòng hộ ven biển. Theo kế hoạch, địa phương sẽ nâng diện tích đất có rừng phòng hộ ven biển lên 2.823,97 ha vào năm 2030 (tăng 582,67 ha); trong đó, trồng rừng ngập mặn, ngập ngọt chắn sóng 281,39 ha. Tỉnh đặt mục tiêu, đến cuối năm 2030 nâng độ che phủ của rừng các xã ven biển đạt 33,4%.

Đối với rừng trồng ngập mặn, ngập ngọt, địa phương ưu tiên trồng các loài cây có tác dụng làm sạch môi trường, tạo cảnh quan phù hợp với điều kiện như: đước, vẹt, cóc trắng, bần chua, dừa nước… Tuy nhiên, để cây rừng phát triển tốt, bám đất, thích ứng với điều kiện thời tiết cực đoan, nước biển dâng cần có kỹ thuật tạo thể nền, lên luống, lên líp. Trên cơ sở các mô hình trồng, bảo vệ rừng ngập mặn đã có ở các xã Bình Thuận, Bình Phước (huyện Bình Sơn), tỉnh sẽ hoàn thiện các kỹ thuật nhân rộng trồng rừng ngập mặn trên các dạng lập địa khác nhau tại các dải bãi bồi, đầm lầy; trồng rừng ngập mặn trong các khoảng trống hoặc trồng dặm bổ sung; trồng rừng ngập mặn trên các dạng lập địa khó khăn; vùng đặc biệt khó khăn xói lở bờ biển.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định thông tin, tỉnh sẽ nỗ lực triển khai dự án bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. Địa phương sẽ rà soát tất cả diện tích có thể trồng rừng tập trung; trong đó, chú ý đến trồng rừng phân tán. Đối với những vùng bãi bồi, điều kiện bờ ao, tỉnh dự kiến đến năm 2025 sẽ trồng khoảng 7.300 cây, hướng tới phủ kín rừng ngập mặn tại các khu vực này.

Kiểm tra sinh trưởng của cây trồng tại rừng ngập mặn ở đầm Ô Loan (Phú Yên). 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Lê Văn Bé, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đánh giá toàn diện việc triển khai trồng rừng ngập mặn tại khu vực đầm Ô Loan. Định hướng sắp tới, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư ngoài nhà nước tham gia trồng rừng. Cùng với đó, địa phương sẽ mua cây giống, hỗ trợ người dân trồng rừng và trồng cây phân tán trên đầm Ô Loan. Phú Yên cũng tổ chức rà soát thực trạng và kế hoạch sử dụng đất vùng ven biển; quy hoạch, xác định quỹ đất dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển; rà soát bãi bồi ven biển, bổ sung quy hoạch nhằm phát triển rừng ngập mặn có quy mô phù hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng rừng vùng ven biển có sức chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), diện tích rừng ngập mặn hiện không còn nhiều. Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thành phố có Đề án trồng và phục hồi rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái sẵn có trong vịnh Nha Trang. Trước mắt, các địa phương thực hiện rà soát khu vực bãi bồi, đất ngập nước ven sông để trồng rừng ngập mặn. Thành phố giao Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp với UBND các xã, phường khảo sát đánh giá, lập kế hoạch trồng, tái tạo, phục hồi rừng ngập mặn.

Ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, từ năm 2022 đến nay, Thành đoàn Nha Trang và Đoàn Thanh niên của đơn vị đã phối hợp trồng hơn 4 ha rừng ngập mặn tại các khu vực thuộc phường Vĩnh Nguyên, ven sông Quán Trường, sông Cái (đoạn qua phường Ngọc Hiệp). Qua đó, Ban Quản lý đã tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và cùng chung tay phục hồi rừng ngập mặn.

Hoa đước nở tháng 4-5, Quả đước chín vào tháng 7-10, là nguồn giống quan trọng trong việc phục hồi, bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, ngoài quản lý và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển hiện có, Khánh Hòa đang triển khai Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”. Toàn tỉnh đã trồng mới trên diện tích quy hoạch rừng phòng hộ là 612,37 ha; trong đó có 576,7 ha rừng phòng hộ chắn gió, cát và 35,67 ha rừng trồng ngập mặn. Ngoài ra, diện tích dự kiến khoảng 716,85 ha có khả năng tái sinh tự nhiên sẽ được khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh tự nhiên.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Duy Quang cho biết, những kết quả trên đã góp phần ổn định cấu trúc và hệ sinh thái rừng ngập mặn, tăng khả năng chống chịu với tình trạng mực nước dâng và sóng biển, gió cát. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Thạc sĩ Tô Văn Hạnh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (thành viên Dự án Quỹ Môi trường toàn cầu), rừng ngập mặn khi được phục hồi có vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng xâm thực, tăng khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Tuy nhiên, để rừng phát triển bền vững cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, nhất là sự chung tay của người dân sống ven rừng.

Thạc sĩ Tô Văn Hạnh cho rằng, đối với những cánh rừng đã có cấu trúc ổn định cũng như tiềm năng để phát triển du lịch cần được khai thác để tăng mối liên kết, tương tác gắn bó của người dân sống ven rừng với rừng. Chính quyền nơi có rừng ngập mặn cần tăng cường tuyên truyền về giá trị của rừng ngập mặn, mở các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ làm du lịch gắn với rừng cho người dân địa phương; tạo thêm nhiều sản phẩm khác để phục vụ du lịch. Các địa phương cần để doanh nghiệp vào cuộc hỗ trợ người dân phát triển du lịch dưới tán rừng.

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn, Quảng Ngãi) được phục hồi với nhiều loài thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng. 

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Nam Trung Bộ, đặc biệt là Quảng Ngãi đã phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn với cây cóc trắng (bàu Cá Cái) và rừng dừa nước Cà Ninh. Đây là diện tích rừng rất đặc biệt bởi rừng phát triển xanh tốt ngay sát Khu kinh tế Dung Quất, nơi có các khu công nghiệp dày đặc. Rừng và nguồn lợi thủy sản ở khu vực này đang được các tổ cộng đồng bảo vệ rất tốt. Hiện nay, rừng ngập mặn bầu Cá Cái chưa được giao cho chính quyền địa phương hay cộng đồng quản lý, bảo vệ. Năm 2022, Quỹ đã thực hiện Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Qua khảo sát cho thấy, Tổ cộng đồng rừng ngập mặn bàu Cá Cái có nguyện vọng được giao quyền, quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực bàu Cá Cái.

“Người dân, cộng đồng cần được trao quyền nhiều hơn trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi có quyền lợi nhiều hơn, người dân, cộng đồng sẽ có phương án trồng, bảo vệ rừng. Trước mắt, khi người dân có lợi ích hài hòa dưới tán rừng, Nhà nước không phải lo sinh kế cho người dân mà còn huy động được sự chung tay của cộng đồng trong bảo vệ rừng. Về lâu dài, Nhà nước có thể sẽ không cần phải cung cấp kinh phí trong quản lý, bảo vệ rừng” - bà Nguyễn Thị Thúy Huyền đề xuất.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, các tỉnh Nam Trung Bộ cần có quy hoạch riêng cho rừng ngập mặn và mạnh dạn quy hoạch rừng ngập mặn; rà soát lại đất đã được quy hoạch phát triển lâm nghiệp nhưng sử dụng không đúng mục đích để trồng lại rừng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nhân rộng đối với các giống cây rừng ngập mặn chịu được, bền bỉ trước trước diễn biến bất thường của thiên tai, nước biển dâng./. (Hết)

Nội dung: Nhóm phóng viên Nam Trung Bộ

Thiết kế: Vũ Bắc

Hình ảnh, đồ họa, video: TTXVN

Xem thêm