Văn hóa

Tái thiết đô thị – “Đánh thức” những địa điểm bị lãng quên

Hà Nội

Vấn đề bảo tồn giá trị cũ trong xu thế biến đổi theo cái mới vẫn luôn được Hà Nội quan tâm và chính là căn cốt để không gian đô thị Hà Nội dần được tái thiết theo những góc nhìn sáng tạo.

Sau gần 5 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đang từng bước lấy sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững. Trong đó, tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo được xem như vấn đề quan trọng, từng bước định hình, góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Tái thiết đô thị là một trong ba trụ cột phát triển của Thành phố sáng tạo và cũng là vấn đề tương đối mới của Hà Nội, được đặt ra trong những năm gần đây. Luật Thủ đô sửa đổi đã đề cập đến việc tái thiết đô thị gắn với bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị để phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử. Vấn đề bảo tồn giá trị cũ trong xu thế biến đổi theo cái mới vẫn luôn được Hà Nội quan tâm và chính là căn cốt để không gian đô thị Hà Nội dần được tái thiết theo những góc nhìn sáng tạo.

Cũng giống như bao cây cầu đi bộ đã “nhuốm màu thời gian”, cầu đi bộ Trần Nhật Duật nối khu Phố cổ Hà Nội và khu vực Phúc Tân, cửa khẩu Thanh Yên (thuộc quận Hoàn Kiếm) thường ngày không được mọi người để ý. Tuy nhiên, sau khi được các nghệ sĩ biến hóa thành một không gian nghệ thuật ánh sáng lung linh sắc màu, với những tác phẩm sắp đặt mang chủ đề “Nước” (có phần được sử dụng từ vật liệu tái chế), cầu đi bộ Trần Nhật Duật đã trở thành điểm nhấn sinh động, thu hút nhiều người đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Họa sĩ Vũ Xuân Đông - một trong bốn nghệ sĩ thực hiện dự án cho biết, việc sử dụng các dự án, tác phẩm nghệ thuật công cộng ngoài trời đối với việc tái thiết đô thị sáng tạo là hướng đi thông minh. Ngoài việc chuyển tải ý tưởng sáng tạo cũng như các ý nghĩa về môi trường, dự án nghệ thuật công cộng cầu đi bộ Trần Nhật Duật còn giới thiệu về giải pháp cho cầu đi bộ, đèn sáng, thị giác cho không gian công cộng.

Phố Bích họa Phùng Hưng cũng là một trong những dự án điển hình tái thiết đô thị thành không gian nghệ thuật, được hình thành từ việc cải tạo các vòm cầu đường sắt thành các bức bích họa và sắp đặt nghệ thuật. Con phố gợi lại cho người xem những ký ức về một Hà Nội xưa, thông qua các tác phẩm: Bách hóa tổng hợp, gánh hàng rong, ông đồ cho chữ, múa lân, phố Hàng Mã, tàu điện...

Dự án dài hơn 200m, được khai trương đầu năm 2018 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội và du khách. Sau một thời gian dài các tác phẩm bị xuống cấp, đầu năm 2023, không gian Bích họa Phùng Hưng tiếp tục được làm mới. Từ đó, khu vực này được định hình thành một không gian văn hóa sáng tạo khi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật mỗi dịp lễ Tết, những ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh các không gian sáng tạo trên, Hà Nội hiện có nhiều không gian văn hóa được tái thiết từ hạ tầng cũ nằm trong khu vực nội đô như: Con đường gốm sứ ven sông Hồng biến bức thành đê bằng bê tông trở thành bức tranh gốm khổng lồ dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân được cải tạo từ bãi rác ven sông Hồng; Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm được cải tạo từ Hội quán Quảng Đông...

Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm tọa lạc trong khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn du khách yêu nghệ thuật. 
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các nghệ sĩ, giới sáng tạo triển khai dự án “Chuyện đình trong phố” nhằm tổ chức các ngôi đình sau khi được trùng tu, cải tạo thành các không gian văn hóa, tạo sức sống cho di sản. Sự sáng tạo khéo léo, tâm huyết của các nghệ sĩ, giới sáng tạo và chính quyền địa phương như thổi một luồng gió mới cho các công trình đô thị Hà Nội, hồi sinh các di sản và các công trình cũ. Không chỉ tạo ra diện mạo mới, các công trình còn có thêm công năng và giá trị trên chính nền cũ của nó.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong giai đoạn hiện nay, quận hướng tới phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Do vậy, quận tập trung cải tạo các không gian công cộng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng và bổ trợ cho các hoạt động khác trong đô thị. Bên cạnh đó, việc cải tạo các không gian công cộng cũng là cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, đưa ra cách tiếp cận mới cho đô thị, tạo thêm sự hấp dẫn đối với du khách. Không chỉ có cầu đi bộ Trần Nhật Duật, phố Bích họa Phùng Hưng, các không gian công cộng khác như: vườn hoa, công viên, con phố tiếp tục được cải tạo trong thời gian tới.

Từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tái thiết đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân và phát triển bền vững đô thị. Thành phố đã thực hiện nhiều dự án cải tạo công viên, khu vui chơi công cộng, tạo ra các không gian xanh, sạch và tiện nghi cho người dân. Trong đó, nhiều dự án hạ tầng đô thị được tái thiết và làm mới theo hướng sáng tạo, đổi mới. Đồng thời, thành phố đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông, cấp thoát nước và các dịch vụ công cộng khác. Qua đó, tạo ra những tác động sâu rộng và tích cực đến quá trình phát triển của Hà Nội.

Tháp nước Hàng Đậu nằm tại ngã 6 giao giữa các con phố: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng, quận Ba Đình thường được biết tới là chứng tích của thời Pháp thuộc. Vốn “nằm thu mình” giữa sự sôi động của phố phường, nay khối công trình cũ kỹ ấy bỗng “hồi sinh” bởi dự án thắp sáng tháp nước Hàng Đậu do Đại sứ quán Hà Lan và UBND thành phố Hà Nội thực hiện từ năm 2015 - 2017. Cuối năm 2023, công trình thu hút khách tham quan khi được cải tạo thành nơi trưng bày không gian sắp đặt nước và di sản.

Vườn hoa Diên Hồng (tên thường gọi là vườn hoa Con Cóc) được người Pháp xây dựng năm 1901 là minh chứng cụ thể cho việc tái thiết hạ tầng đô thị theo hướng sáng tạo. UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Viện PRX – Đại diện vùng Ile-de-France (Pháp) tại Việt Nam thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp vườn hoa Diên Hồng theo hướng kết nối với các công trình kiến trúc nổi tiếng xung quanh. Sau thời gian cải tạo, vườn hoa có diện mạo mới, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được nét hài hòa với cảnh quan và các công trình kiến trúc mang phong cách Pháp nằm trong cùng quần thể. Khu vực này còn trở thành địa điểm triển lãm ngoài trời với không gian triển lãm độc đáo khi là khối lập phương khổng lồ được ghép từ những tấm gương nhỏ hay khung tre, trúc bao quanh.

Các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, hồ Thiền Quang… chính là kết quả của việc tái thiết, chuyển đổi công năng của các không gian công cộng.

Dự án cải tạo mặt đứng phố Tạ Hiện, Lãn Ông, Tràng Tiền vừa mang lại diện mạo mới cho các con phố trong khu phố cổ và phố Pháp, vừa tạo điểm đến cho du khách.

Biệt thự Pháp tại số 49 Trần Hưng Đạo sau thời gian được trùng tu vì xuống cấp nay đã trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhiều bức tường tại các khu dân cư, khu công cộng trở thành đường tranh bích họa. Các bốt điện nằm ở các con phố trung tâm được “khoác lên mình tấm áo mới” là những bức tranh rực rỡ sắc màu… không chỉ mang đến những bức tranh đẹp, truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa, tích cực, cần thiết mà còn góp phần làm đẹp cho cảnh quan đô thị.

Những bức tranh cổ động màu sắc, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 gây ấn tượng với người dân. 
Ảnh tư liệu: Thành Đạt - TTXVN

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, những hoạt động can thiệp nhằm thực nghiệm tái thiết đô thị đã được tiến hành nhiều năm qua, ở những dự án nhỏ. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là những hoạt động đơn lẻ, trong phạm vi nhỏ bé đã tạo ra sức sống mạnh mẽ, hiệu ứng lan tỏa với tính thuyết phục cao. Các hoạt động sáng tạo đã thúc đẩy việc cải thiện cơ sở hạ tầng và không gian công cộng tại Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo ra môi trường sống lành mạnh hơn.

Việc tái thiết đô thị không chỉ tạo ra các không gian văn hóa, thay đổi diện mạo đô thị, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch mà còn đánh thức nhiều địa điểm bị lãng quên. Để quá trình tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo mang lại hiệu quả cao, Hà Nội cần có góc nhìn rộng mở và những chất xúc tác mới./.

Bài: Đinh Thuận

Ảnh: Minh Ngọc, Đinh Thuận, Thanh Tùng, Thành Đạt

Video: Minh Ngọc

Trình bày: Minh Huệ

Đinh Thuận

Xem thêm