Ngành thi hành án dân sự thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền
Chiều 26/9, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 11 tháng năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024.
Tại Hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp, cơ quan thi hành án chủ động rà soát cách làm hay, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, những khó khăn, hạn chế liên quan đến biên chế, thiết bị, kinh phí, sự phối hợp giữa các đơn vị; nghiên cứu điều chỉnh biên chế ở các đơn vị cho phù hợp, ưu tiên biên chế cho các đơn vị thực hiện nghiệp vụ trực tiếp. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo giảm sai sót trong công tác; tăng cường nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban, ngành hỗ trợ Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Lê Phước Toàn, Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, để hoàn thành đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024, các Cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đôn đốc trong việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trên các mặt công tác; tích cực rà soát, phân loại án, xác minh điều kiện thi hành án; tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thay đổi lề lối phương pháp làm việc, tăng cường theo dõi kiểm tra trên các mặt công tác.
Bên cạnh đó, ngành thi hành án dân sự thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tiếp tục phân loại án chính xác, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện việc phân loại án không chính xác để chạy theo thành tích, dẫn đến đương sự khiếu nại, đồng thời bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án.
Tính từ tháng 10/2023 đến ngày 30/8/2024, trong công tác thi hành án dân sự, toàn tỉnh phải thi hành 11.410 việc. Trong đó, có 7.942 việc có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 6.113 việc, đạt 76,97% (chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao là 83,35%). Tổng số tiền phải thi hành là trên 3.343 tỷ đồng, số thi hành xong là trên 508 tỷ đồng, đạt 33,89% (chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao là 46,75%). Các cơ quan thi hành án dân sự tiếp 209 lượt công dân; thụ lý 41 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 96,96% đơn khiếu nại và 75% đơn tố cáo.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tiếp nhận 7 văn bản xin ý kiến nghiệp vụ của các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc, xem xét giải quyết đạt 100%. Ngoài ra, Cục đã cử 126 công chức trong hệ thống tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo chỉ đạo của ngành và địa phương; tổ chức hội nghị tập huấn nội bộ về công tác tổ chức cán bộ, văn phòng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống thi hành án dân sự tỉnh; tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng tại 8/8 Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc./.