Thời sự

Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính

Vĩnh Phúc

Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc có những chuyển biến rõ nét với 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, cao nhất từ trước tới nay.

Sau ba ngày làm việc, chiều 9/12, Kỳ họp lần thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã bế mạc.

Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Trong kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xem xét các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan theo quy định của Luật Chính quyền địa phương. Các đại biểu phân tích, dự báo, đánh giá tình hình trong nước và thế giới, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2023; nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. HĐND tỉnh đã dành nhiều thời gian để các đại biểu phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các nội dung trình tại kỳ họp và thống nhất đánh giá trên các lĩnh vực.

Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc có những chuyển biến rõ nét với 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, cao nhất từ trước tới nay. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 9,54% so với năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, tăng 11,94% so với dự toán. Tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng hơn 4 lần so với năm 2021; doanh thu du lịch ước đạt 3.282 tỷ đồng...

Năm 2023, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVII; Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế xã hội; Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.Tỉnh chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh năm 2023 cần tập trung điều hành ngân sách đúng luật phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm các khoản chi để ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và hệ thống chính trị của địa phương. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc; đẩy nhanh phê duyệt quyết định đầu tư, hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2023, các ngành chức năng của Vĩnh Phúc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; xây dựng nền kinh tế số, chính quyền số, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.../.

Nguyễn Trọng Lịch

Xem thêm