Pháp luật

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người lao động khuyết tật

Hà Nội

Thiết lập các nhóm luật sư tình nguyện, các trung tâm tư vấn pháp luật chuyên biệt nhằm hỗ trợ miễn phí hoặc chi phí thấp cho doanh nghiệp người khuyết tật

 Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa phát biểu
Ảnh: Đỗ Bình - TTXVN 

Tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người lao động khuyết tật.

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa khẳng định trong thời gian qua, người khuyết tật có vai trò quan trọng trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thu nhập để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Việc làm giúp người khuyết tật tự tin vượt qua khó khăn, hòa nhập vào cộng đồng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, việc tham gia thị trường lao động của người khuyết tật cũng gặp rất nhiều thách thức như thiếu kỹ năng chuyên môn, cơ hội việc làm hạn chế, nhận thức xã hội về người khuyết tật chưa cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng công cộng chưa phù hợp để hỗ trợ họ đi lại và làm việc. Đặc biệt, nhận thức, hiểu biết pháp luật của người khuyết tật còn hạn chế…

Hội nghị là diễn đàn để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật cũng như các doanh nghiệp đang sử dụng đội ngũ người lao động là người khuyết tật trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam Lê Văn Lộc cho rằng, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp người khuyết tật vẫn đang gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận pháp luật, từ thông tin, thủ tục pháp lý, đến các chính sách ưu đãi mà lẽ ra họ được thụ hưởng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị 
Ảnh: Đỗ Bình - TTXVN

Nhiều chủ doanh nghiệp người khuyết tật không được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật mới, hoặc gặp khó khăn trong việc hiểu, áp dụng các quy định pháp luật. Các hình thức phổ biến pháp luật hiện nay chưa thật sự phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm thính, người mù hoặc có khó khăn trong giao tiếp. Một số địa phương chưa có cán bộ chuyên trách hoặc chương trình hỗ trợ pháp lý riêng cho doanh nghiệp người khuyết tật, dẫn đến việc tư vấn, hỗ trợ chưa hiệu quả. Doanh nghiệp người khuyết tật thường quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính, nhân lực nên khó thuê luật sư, cố vấn pháp lý riêng.

Để góp phần tháo gỡ các khó khăn nêu trên và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho doanh nghiệp người khuyết tật, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam đề xuất cần phát triển mạng lưới hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp người khuyết tật; thiết lập các nhóm luật sư tình nguyện, các trung tâm tư vấn pháp luật chuyên biệt nhằm hỗ trợ miễn phí hoặc chi phí thấp cho doanh nghiệp người khuyết tật; khuyến khích các hiệp hội người khuyết tật tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý và làm cầu nối với các cơ quan chức năng; phát triển hệ thống hỏi  - đáp pháp luật trực tuyến (qua website, Zalo, fanpage), để giải đáp thắc mắc pháp luật kịp thời.

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hướng đến phát triển bền vững, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế hỗ trợ các mô hình doanh nghiệp hướng tới lợi ích xã hội. Việc hoàn thiện thể chế pháp lý cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội không chỉ là đáp ứng nhu cầu của thực tiễn mà còn là chiến lược dài hạn để thúc đẩy sự phát triển công bằng, bao trùm và bền vững.

Với vai trò trung tâm trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, Bộ Tư pháp sẽ là đầu mối tiên phong trong việc thúc đẩy chính sách pháp lý công nhận và hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp tạo tác động xã hội…/.

Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm