Xã hội

Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí

Vĩnh Long

Các học viên được trao đổi, chia sẻ những nội dung về cách thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo tác phẩm báo chí.

Quang cảnh buổi tập huấn. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 11/8, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long tổ chức chương trình tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí và xử lý hậu kỳ sản phẩm báo chí”. Chương trình có sự tham gia của gần 50 đại biểu đang công tác tại các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Hồng Thư, lớp tập huấn nhằm trang bị cho hội viên, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của các cơ quan báo chí trong tỉnh kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp; đồng thời thúc đẩy việc tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nghiệp vụ của cơ quan báo chí, góp phần nâng cao năng suất làm việc, tối ưu hóa quy trình tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí.

Chuyên gia Phạm Tấn Anh Vũ chia sẻ cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Tham gia chương trình, các học viên được chuyên gia Phạm Tấn Anh Vũ, Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty Cổ phần giải pháp trí thông minh nhân tạo Việt Nam VAIS trao đổi những nội dung về cách thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí. Một số dung chính được chia sẻ như: Áp dụng công nghệ để chuyển đổi băng video, ghi âm thành văn bản lưu trên máy vi tính hoặc điện thoại; áp dụng trí tuệ nhân tạo để tạo công cụ cho phóng viên, biên tập viên khai thác thông tin và biên tập bài viết; ứng dụng công nghệ để chuyển các nội dung họp online thành văn bản mà không cần tham dự cuộc họp vẫn ghi chép đầy đủ; áp dụng trí tuệ nhân tạo để bóc tách nội dung từ băng video thành văn bản; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng một người dẫn chương trình ảo biết đọc bản tin chính xác, không vấp lỗi chính tả sử dụng trong các tình huống khẩn cấp không có người dẫn chương trình hoặc phát thanh viên...

Ông Phạm Tấn Anh Vũ cho biết, để tạo ra một tác phẩm báo chí, người phóng viên cần thực hiện nhiều công đoạn như phỏng vấn, quay phim, đi thực tế, xử lý thông tin…, do đó thời gian thực hiện đôi khi mất nhiều thời gian và công sức. Hiện nay, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên hoàn toàn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý nhanh chóng hơn các thao tác: Chuyển từ âm thanh, phim video sang văn bản; chuyển các nội dung họp online thành văn bản; bóc tách lời bình hoặc phỏng vấn trong video chuyển thành phụ đề tiếng Việt… Dùng trí tuệ nhân tạo sẽ giảm thời gian thao tác, đồng thời giúp phóng viên, biên tập viên khai thác thông tin và biên tập bài viết một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động báo chí cần phù hợp, có đối chiếu với thông tin đầu vào và tránh lạm dụng để đảm bảo ứng dụng hiệu quả vào hoạt động báo chí, truyền thông./.

Lê Thúy Hằng

Xem thêm