Dữ liệu về sức khỏe được quản lý, liên thông với các cơ sở y tế và các bệnh viện tuyến trên; là cơ sở để kiểm soát, sàng lọc, tư vấn chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
TTXVN - Nhằm đảm bảo kết nối các cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân, sau hơn 3 tháng triển khai Chương trình khám, quản lý sức khỏe người dân, đến nay, huyện Mê Linh phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khám cho gần 160.000 người trên địa bàn, đạt 88% kế hoạch.
Trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân lao động tự do là những đối tượng được khám, quản lý sức khỏe miễn phí.
Theo dữ liệu hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, tỷ lệ người dân có chỉ số tình trạng dinh dưỡng (BMI) ở mức bình thường chiếm 60,29%; người dân thiếu dinh dưỡng chiếm 34,01%; tiền béo phì chiếm 3,88%, béo phì độ 3 chiếm 5,43%; các bệnh rối loạn mỡ máu chiếm 4,51%; tăng huyết áp chiếm 3,99%; rối loạn chức năng gan chiếm 1,35%; đái tháo đường tuýp 2 chiếm 1,23%... Đối với các trường hợp mắc bệnh mạn tính sau khi khám sàng lọc, các y, bác sĩ tư vấn, giúp đỡ liên hệ với bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để kiểm tra chuyên sâu, điều trị kịp thời.
Sau Chương trình, dữ liệu sức khỏe của người dân huyện Mê Linh sẽ được quản lý, liên thông với các cơ sở y tế và các bệnh viện tuyến trên; là cơ sở để kiểm soát, sàng lọc, tư vấn chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
Đến cuối năm 2023, dự kiến sẽ có hơn 180.000 người dân (chiếm 75% dân số) trên địa bàn huyện được tham gia Chương trình này.
Sở Y tế đề nghị, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc triển khai hoạt động khám, quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn để Chương trình tiếp tục triển khai hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa Mê Linh phối hợp với các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác khám, cập nhật liên tục số liệu người dân đến khám lên phần mềm, đảm bảo 100% đối tượng đến khám được cập nhật dữ liệu trên hệ thống.
Ngành Y tế cần có những phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai Chương trình; tiếp tục rà soát, khai thác, sử dụng có hiệu quả phần mềm để có thể kết nối, đồng bộ dữ liệu, liên thông tốt với phần mềm của Bộ Y tế trong thời gian tới./.
- Từ khóa:
- quản lý dữ liệu sức khỏe
- Hà Nội