Thời sự

Tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Phú Thọ

Cải tiến hình thức tổ chức, tập trung giám sát những vấn đề nổi cộm, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, xã hội, là một trong những hoạt động nổi bật trong hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ.

TTXVN - Cải tiến hình thức tổ chức, tập trung giám sát những vấn đề nổi cộm, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, xã hội. Đây là một trong những hoạt động nổi bật và có chuyển biến rõ nét trong hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ.

* Giám sát những vấn đề cử tri quan tâm

Nhờ những đổi mới hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiều vấn đề nổi cộm được phát hiện và kiến nghị kịp thời. Nhiều kiến nghị đã được UBND các cấp và các đơn vị liên quan tiếp nhận xử lý, giải quyết, đáp ứng yêu cầu xã hội và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Đơn cử, kiến nghị của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khu vực huyện Phù Ninh đã giúp tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất từ huyện đến các xã, thị trấn về hệ thống một cửa hiện đại. Theo Tổ đại biểu, qua giám sát, Tổ đã phát hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 130/225 đơn vị cấp xã chưa đảm bảo các điều kiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả như: trụ sở làm việc xuống cấp; diện tích bố trí cho bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả quá nhỏ; một số đơn vị phải bố trí chung với nơi tiếp công dân; trang thiết bị, đặc biệt là máy móc, hệ thống công nghệ thông tin chưa đảm bảo. Để giải quyết vấn đề nêu trên, nhu cầu đầu tư cho mỗi đơn vị cấp xã trung bình khoảng 1 tỷ đồng/xã (khoảng 130 tỷ đồng cho toàn bộ số đơn vị cấp xã cần đầu tư). Đây là mức đầu tư khá lớn đối với ngân sách tỉnh cũng như các huyện và đơn vị cấp xã.

Ngay sau giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động bố trí kinh phí, xây dựng lộ trình và lồng ghép các nguồn lực để cùng thực hiện; UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ chung cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Thường trực Hội đồng nhân tỉnh kiến nghị với bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương đối với một số xã vùng sâu, vùng xa để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả đảm bảo tính hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của địa phương.

Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh sau cuộc giám sát về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát tổng thể các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Từ đó, cơ quan chức năng, các địa phương cơ sở quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới đào tạo nghề, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh hoặc phối hợp không chặt chẽ, ảnh hưởng đến chất lượng và mục tiêu đề ra…

Đây chỉ hai trong số rất nhiều đề xuất, ý kiến của Hội đồng nhân dân sau giám sát được chuyển xử lý, giải quyết. Theo báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, riêng năm 2022, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khu vực đã thực hiện 12 cuộc giám sát chuyên đề, chuyên sâu. Các cuộc giám sát đã tập trung vào vấn đề đang bức thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sản xuất, đời sống của nhân dân, được sự quan tâm rộng rãi của dư luận và cử tri.

Sau giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã có 69 kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị trong tỉnh, trong đó hầu các kiến nghị đã được giải quyết. Sáu tháng đầu năm 2023, qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, 407 kiến nghị đã gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị trong tỉnh, trong đó 389 kiến nghị được giải quyết, đạt trên 94%.

Theo Thường trực Hội đồng nhân dân, tất cả kiến nghị, kết luận giám sát đều được Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu đeo bám đến cùng; đồng thời, yêu cầu làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị cụ thể đối với những kiến nghị chưa được giải quyết và những kết luận chưa được làm rõ.

* Bảo đảm giám sát thực chất, hiệu quả

Theo ông Đinh Hoàng Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Quá trình giám sát đảm bảo chất lượng, hiệu quả, trúng các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, không có sự trùng lặp, chồng chéo nội dung, thời gian, đơn vị chịu sự giám sát. Hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, phản ánh chính xác những mặt tích cực, kết quả đạt được và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để có kết luận, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Để đạt được những kết tích cực trong hoạt động giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai kế hoạch giám sát đảm bảo đúng các quy định, phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Các cuộc giám sát được Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh chuẩn bị chu đáo; phân công thành viên tổ chức khảo sát để tìm hiểu, nắm bắt kịp thời những vấn đề cần giám sát tại một số cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; các vấn đề phát hiện, nắm bắt qua khảo sát, Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo, giải trình, làm rõ, đưa ra phương hướng, giải pháp tháo gỡ, xử lý dứt điểm.

Sau cuộc giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành thông báo kết quả giám sát; trong đó, đánh giá rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế của các đơn vị được giám sát; đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho cơ quan liên quan dễ tiếp thu, thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát  gặp một số hạn chế, khó khăn như lĩnh vực giám sát rộng, nhiều vấn đề được đặt ra nên việc lựa chọn nội dung giám sát có lúc phải cân nhắc. Việc thu thập thông tin liên quan đến nội dung giám sát từ các cơ quan chuyên môn có thời điểm chưa thật sự đầy đủ. Một số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm kỹ năng giám sát còn hạn chế. Tỷ lệ giám sát việc thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành chưa cao…

Theo ông Dương Hoàng Hương, để hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tập trung thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung giám sát, đảm bảo các chủ đề được lựa chọn có tính trọng tâm, tránh dàn trải hoặc quá chung chung, đi sâu vào các vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thời sự, xã hội đang quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân sẽ thu thập đầy đủ thông tin về nội dung giám sát, gồm các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan; các báo cáo, tài liệu phân tích, đánh giá nhiều chiều về nội dung giám sát. Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, củng cố; tăng cường công tác truyền thông về nội dung, vấn đề giám sát, nhất là thông tin từ ý kiến cử tri mà phương tiện truyền thông thu thập, phản ánh…/.

 

Đào An

Tin liên quan

Xem thêm