Đà Nẵng cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tạo động lực cho huyện Hòa Vang phát triển bền vững, mang tầm vóc của đô thị sinh thái giàu bản sắc.
TTXVN - Sáng 11/5, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng huyện Hòa Vang phát triển trong thời kỳ mới”, nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Võ Công Trí đồng chủ trì tọa đàm.
Huyện Hòa Vang có dân số khoảng 150.000 người, quy mô nền kinh tế năm 2022 đạt 2.537 tỷ đồng (tăng 1,7 lần so với năm 2010). Huyện đã có bước phát triển rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm mục tiêu đề ra, nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phục vụ đô thị, du lịch. Địa phương đã quan tâm việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào các ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, Hòa Vang đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, mang bản sắc riêng của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển...
Báo cáo về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho biết, hiện địa phương có diện tích đất sản xuất chuyên canh rau ứng dụng khoa học kỹ thuật là 13,54 ha (chiếm hơn 30%); hình thành 2 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hòa Ninh, Hòa Phú. Toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn đẩy mạnh quản lý qua ứng dụng phần mềm, thanh toán điện tử, quảng bá hình ảnh qua mạng xã hội… Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Huyện đã xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến; đầu tư đồng bộ thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; xây dựng phần mềm quản lý giao việc…
Tiến sỹ Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng khẳng định, huyện Hòa Vang chiếm 75% diện tích của thành phố, có khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, nhiều khu, cụm cộng nghiệp… Đây là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là đột phá để thúc đẩy Hòa Vang phát triển bền vững, sớm trở thành trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao, hướng đến mục tiêu xây dựng Thị xã Hòa Vang vào năm 2025.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Bình (Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), huyện cần chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các nước phát triển; tranh thủ chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong khu công nghệ cao. Địa phương cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển; gắn nghiên cứu khoa học và công nghệ với nhu cầu đổi mới công nghệ ứng dụng; đồng thời, chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Kết luận buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã đánh giá cao các tham luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý về ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển huyện Hòa Vang. Đồng thời, Bí thư Thành ủy đề nghị, Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự Đảng UBND thành phố phối hợp rà soát, đánh giá tổng thể việc cụ thể hóa các nghị quyết, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển huyện Hòa Vang. Qua đó, thành phố kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tạo động lực cho huyện phát triển bền vững, mang tầm vóc của đô thị sinh thái giàu bản sắc./.