Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài viết, báo cáo tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học của hai cơ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
TTXVN - Sáng 11/5, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo khoa học: “Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại”.
Phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); thành kính tưởng nhớ, tri ân, làm rõ thêm công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam; góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài viết, báo cáo tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học của hai cơ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Với cách tiếp cận phong phú, khách quan, khoa học, các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ những giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, qua đó khẳng định di sản Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng, có giá trị vĩnh hằng trong sự nghiệp đấu tranh giành dân tộc độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới hiện nay.
Từ chủ đề của Hội thảo, nhiều tham luận phân tích rõ di sản Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thức tỉnh dân tộc và nhân dân các nước thuộc địa vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại chủ nghĩa thực dân, góp phần vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ.
Nhiều tham luận tập trung phân tích và đi tới thống nhất khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của đổi mới; Người là “tổng công trình sư” của sự nghiệp kiến thiết và đổi mới của Việt Nam.
Ngày nay, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường dẫn lối cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam giành thắng lợi. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn, đó là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng...
Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thực hiện tâm nguyện cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với các cách tiếp cận khác nhau, nhiều tham luận đề cập, luận giải những giá trị dân tộc và thời đại của di sản Hồ Chí Minh trên nhiều khía cạnh, nhiều cách tiếp cận liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một số tham luận khẳng định, cùng với kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, cần đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận di sản Hồ Chí Minh và cố tình tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Marx-Lenin, nhằm phủ định đi đến xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, hoặc chống phá, xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng dưới ngọn cờ dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các tham luận của lãnh đạo cũng như từ đại diện các phòng chức năng của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho thấy việc sưu tầm, bảo quản, tuyên truyền, phổ biến và phát huy những hiện vật, tư liệu, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng, cần thiết, góp phần lưu giữ, truyền bá, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến lớn lao của Người đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại, thời đại./.